Sau mổ cần theo dõi bệnh nhân để phát hiện sớm tắc mạch phổi
Tắc mạch phổi có thể xảy ra sau bất kỳ một phẫu thuật nào, nhất là các phẫu thuật mổ vùng tiểu khung như mổ thoát vị, mổ phụ khoa và tiết niệu. Các phẫu thuật ở bụng cũng hay gặp như cắt đoạn dạ dày, cắt đại tràng, các phẫu thuật chỉnh hình chi dưới, nhất là vùng háng; bệnh nhân bị bất động do mang bột, những trường hợp sẩy thai…
Tắc mạch phổi sau phẫu thuật thể không điển hình, dễ bị nhầm lẫn vì vị trí đau không ở ngực mà lại ở bụng cho nên có khi nhầm một biến chứng của bụng, đau dữ dội kèm theo có trụy tim mạch nên tưởng nhầm là nhồi huyết cơ tim. Ngoài ra, còn có thể nhầm với các biến chứng khác như viêm phổi cấp tính, xẹp phổi, tràn dịch màng phổi…
Biểu hiện của tắc mạch phổi: Đầu tiên, bệnh nhân thấy đau ngực dữ dội, hốt hoảng, khó thở, suy thất phải cấp tính, nhịp tim nhanh , tụt huyết áp động mạch, gan to, đau…
Đặc biệt, một bên chân bệnh nhân thường có biểu hiện phù nhẹ cổ chân, đung đưa bắp chân thấy khó, bóp mạnh bắp chân đau…Trong trường hợp này phải xử lý cấp cứu ngay nếu không từ 24 – 36 giờ sau bệnh cảnh lâm sàng của tắc mạch phổi sẽ dần dần đầy đủ với các triệu chứng: đau, tình trạng sốc, ho ra máu (thường máu đỏ tươi, đôi khi rõ hơn thì màu hơi đen và đậm).
Điều chủ yếu là ho ra máu thường xảy ra muộn, từng đột ít một và kéo dài trong nhiều ngày. Bệnh nhân sốt 38 – 390C, phổi thở yếu và có một ít ran khu trú…Bệnh dễ tái phát và tiên khi đó tiên lượng xấu hơn rất nhiều.
Đặc biệt nguy hiểm nếu tắc mạch phổi ở thể nặng, dễ gây tử vong thường xảy ra sau biến chứng nghẽn tắc tĩnh mạch trong ngoại khoa và sản khoa. Thể tối cấp tính bệnh nhân có thể ngất chết đột ngột, có khi hốt hoảng lo sợ. Thể diễn biến trong vài giờ thì ngạt thở (phù phổi cấp); trụy tim mạch do thất phải không hồi phục. Trường hợp này phải mổ cấp cứu để lấy đi cục máu tắc.
Vì vậy, muốn phát hiện sớm các biến chứng tắc mạch phổi thì luôn luôn phải lưu ý trước các triệu chứng như đau thắt lồng ngực, ho ra máu (dù là rất ít), nhất là khi có tình trạng viêm tĩnh mạch chi dưới. Khi có các biểu hiện này, cần chụp ngay phim phổi và ghi điện tâm đồ để phát hiện sớm các biến chứng.
ThS Trần Anh (Bệnh viện K)