"Sát thủ vô hình" gây 5 vấn đề sức khỏe cực kỳ nguy hiểm

Nguy cơ bị đột quỵ ở người thường xuyên mất ngủ có thể cao hơn người khác. Đặc biệt, nguy cơ này sẽ tăng thêm gấp 8 lần ở đối tượng mắc chứng mất ngủ, khó ngủ trong độ tuổi từ 18 – 34.

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến, mọi đối tượng, độ tuổi đều có nguy cơ gặp phải tình trạng mất ngủ. Lúc này cơ thể gặp phải những vấn đề như khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ, dễ thức giấc, ngủ chập chờn, tỉnh giấc sớm khi chưa ngủ đủ giấc.

Ban đầu, tình trạng này chỉ gây mệt mỏi nhất thời, tuy nhiên về lâu dài tác hại mất ngủ có thể khiến cơ thể phải gánh chịu nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Suy giảm trí nhớ, kém tập trung.

Các chuyên gia cho biết, khi cơ thể ở trạng thái ngủ sâu, vỏ não sẽ tiếp nhận thông tin và lưu trữ ký ức. Chất lượng giấc ngủ suy giảm khiến quá trình tiếp nhận và ghi nhớ thông tin của não bộ bị gián đoạn, gây ra tình trạng kém tập trung, hay quên.

Thay đổi tính tình, dễ cáu gắt

Mất ngủ ban đêm sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi và uể oải vào ban ngày. Cơ thể mệt mỏi kéo theo tâm trạng có khuynh hướng tiêu cực, thay đổi tính cách, dễ cáu gắt và kích động với mọi vấn đề. Trong đó, thay đổi tính cách và dễ cáu gắt là 2 hệ lụy, tác hại của mất ngủ thường gặp và dễ nhận biết.

Mất ngủ sát thủ vô hình gây 5 vấn đề sức khỏe cực kỳ nguy hiểm

Mất ngủ sát thủ vô hình gây 5 vấn đề sức khỏe cực kỳ nguy hiểm

Tăng nguy cơ trầm cảm

Trên thực tế, giấc ngủ kém đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phát triển bệnh lo âu, trầm cảm. Theo các nghiên cứu y khoa, người thường xuyên ngủ ít hơn 6 giờ vào ban đêm có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn người khác. Bởi vì mất ngủ có thể làm sa sút sức khỏe tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi phát triển bệnh trầm cảm.

Suy giảm miễn dịch, dễ bị ốm.

Suy giảm miễn dịch là một trong những tác hại mất ngủ phổ biến. Theo nghiên cứu, chất lượng giấc ngủ và hoạt động của hệ miễn dịch có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Khi ngủ cơ thể sẽ giải phóng chất cytokine – đây là chất cần thiết trong hoạt động của hệ thống miễn dịch. Thông thường, khi mầm bệnh tấn công, trong lúc ngủ cơ thể sẽ sản xuất lượng cytokine nhiều hơn để củng cố hệ miễn dịch.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ

Các bệnh về tim mạch và đột quỵ với nguy cơ tử vong cao cũng có thể là tác hại của mất ngủ kéo dài. Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể tạo điều kiện khởi phát các bệnh lý như tăng huyết áp, suy tim, đau tim, xơ vữa động mạch…

Theo Hội Đột quỵ Thế giới, nguy cơ bị đột quỵ ở người thường xuyên mất ngủ có thể cao hơn người khác. Đặc biệt, nguy cơ này sẽ tăng thêm gấp 8 lần ở đối tượng mắc chứng mất ngủ, khó ngủ trong độ tuổi từ 18 – 34.

Để hạn chế các tác hại của việc mất ngủ, có thể thực hiện những biện pháp như: thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao giúp giải tỏa áp lực, thiết lập thói quen ngủ, thức cố định vào thời điểm nhất định và cố gắng duy trì mỗi ngày. Tránh các loại thực phẩm khó tiêu vào ban đêm như bánh ngọt, món ăn nhiều dầu mỡ, thịt hộp…

BS Đinh Minh Trí (Đại học Y dược, TP HCM)

Theo Đời sống
back to top