Sân bay có thể đặt bất cứ đâu
Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016, nội dung thuyết minh đồ án có nghiên cứu 4 phương án, gồm: sân bay tại khu vực huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60 - 65km; sân bay tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 - 40km; sân bay tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 - 50km; sân bay tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km. Như vậy, trong các nghiên cứu trước đây đã có phương án dự kiến bố trí sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô tại khu vực phía Nam Hà Nội.
TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội rất cần thiết có thêm 1 sân bay nữa để xử lý các vấn đề như quá tải ở sân bay Nội Bài, khi gặp các sự cố khẩn cấp, các tình huống thời tiết bất thường, tai nạn hay thậm chí là khủng bố. Các thủ đô trên thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan – Malaysia... đều có í nhất 2 sân bay. Hiện tượng quá tải hàng không diễn ra thường xuyên tại Sân bay Nội Bài cho thấy sự cần thiết phải có thêm sân bay. Vấn đề là vị trí xây dựng ở đâu? Việc tìm vị trí dự kiến đặt sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô là cần thiết, song cần nghiên cứu khảo sát để chọn vị trí tối ưu, đúng luật hàng không dân dụng Việt Nam, đúng quy định của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.
Có ý kiến cho rằng “khu vực phía Bắc và phía Nam Hà Nội đều là các vùng đất trũng, không an toàn nếu đặt sân bay quốc tế thứ 2 ở đây” theo TS Trần Đình Bá là không chính xác vì công nghệ xây dựng ngày nay có thể đặt bất cứ sân bay ở đâu, kể cả trên sa mạc – đầm lầy và trên biển. Siêu sân bay quốc tế Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) đặt trên vùng đầm lầy ven biển, Hồng Kông còn làm cả sân bay Cheplapkok trên một hòn đảo.
Nên chọn sân bay Gia Lâm
Có nên mở rộng sân bay quân sự thay vì mở sân bay mới? TS Trần Đình Bá cho biết ông từng đề xuất Việt Nam nên khai thác các sân bay quân sự vốn có, mở rộng ra, trang bị hiện đại hơn chính là cách làm hiệu quả và nhanh nhất. Xu thế sân bay lưỡng dụng trên trên giới rất nhiều, họ khai thác cả dân dụng và quân sự để tiết kiệm và hiện đại hóa sân bay hoạt động cho cả ngày – đêm và trong điều kiện chiến tranh – tất cả các sân bay đề là quân sự để chống lại sự xâm lược.
TS Trần Đình Bá cho biết, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, các sân bay như Nội Bài – Đà Nẵng – Tân Sơn Nhất đều khai thác cả dân dụng và quân sự. Do vậy, sân bay thứ hai ở Hà Nội nên tái sử dụng sân bay Gia Lâm. Đó là sân bay quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập thống nhất năm 1945. Trong chiến tranh phá hoại 1964 - 1975, sân bay bay đặc biệt này có chức năng vừa là sân bay quân sự bảo vệ vùng trời Thủ đô, vừa là sân bay dân dụng giao thương quốc tế. Sân bay này chỉ cách trung tâm Hà Nội 6km, có thể khai thác các loại máy bay dân dụng – vận tải hạng vừa như A320, A321 là hợp lý nhất.
TS Trần Đình Bá cho rằng, sân bay Gia Lâm đang “bị lãng quên” và để lãng phí tài nguyên, trong khi hoàn toàn có thể phát huy công năng của nó. Ngoài ra, có thể tận dụng sân bay quân sự Hòa Lạc, vừa tiết kiệm vốn đầu tư vừa có thời gian thi công nhanh. Hà Nội còn có sân bay Bạch Mai từ thời Pháp - cũng là sân bay nhỏ nhưng ít người biết đến.
“Trước đây tôi đã từng đề xuất giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách đưa sân bay Biên Hòa – một sân bay quân sự vào để khai thác, nhưng không được lắng nghe. Hệ quả là đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nặng nề, đến mức phải giải cứu. Tôi tin rằng việc tái sử dụng sân bay Gia Lâm chắc chắn mang lại giá trị kinh tế, xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng, là một lựa chọn tốt nhất cho chủ trương xây dựng sân bay thứ 2 ở Hà Nội”, TS Trần Đình Bá cho hay.