Bệnh nhân T.K.Q tới khám chuyên khoa Tim mạch BVĐK Hồng Ngọc trong tình trạng suy tim nghiêm trọng: EF chỉ còn 16,6%, van hai lá hở nhiều, áp lực động mạch phổi tăng, dịch màng ngoài tim, dịch khoang màng phổi hai bên.
Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm chỉ số suy tim NT ProBNP của bệnh nhân Q. tăng rất cao, lên tới 6496.5 pg/ml, cao gấp 14 lần chỉ số bình thường (0 - 450 pg/ml), chỉ số Troponin Ths tăng tới 43.27 ng/L, gấp 3 lần chỉ số bình thường (0-14 ng/L).
Sau thăm khám, nhận thấy tình hình bệnh nhân có diễn tiến nặng, bác sĩ chuyên khoa Tim mạch đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực (ICU).
Tại đây, bệnh nhân được áp dụng phác đồ điều trị suy tim mới nhất theo khuyến cáo của Hội tim mạch châu Âu ESC và hội tim mạch Việt Nam 2022, kết hợp điều trị toàn trạng tích cực để giúp bệnh nhân ngăn ngừa tổn thương thêm cho tim, cải thiện và phục hồi chức năng tim, bảo tồn chức năng thận, giảm nguy cơ tái phát.
Sau một tuần nằm viện, bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực và được ra viện trong tình trạng ổn định. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được hẹn tái khám sau 7 ngày để kiểm tra mức độ hồi phục sau khi ra viện.
Sai lầm khiến bệnh suy tim tiến triển nặng |
Đáng nói, ca bệnh này phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm do mắc phải 3 sai lầm:
- Không thăm khám định kỳ dù đã được chẩn đoán suy tim từ lâu
- Xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, khó thở trước đó 1 tháng nhưng không thăm khám
- Tự đặt truyền dịch tại nhà, không có chỉ định của bác sĩ
ThS. BS Phạm Tuấn Việt, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Q đã rất may mắn khi được can thiệp kịp thời, nếu muộn hơn rất có thể bệnh nhân sẽ phải cấp cứu đặt nội khí quản hoặc thậm chí tử vong tại nhà.
Thực tế, rất nhiều bệnh nhân tim mắc phải các sai lầm này. Chính vì vậy, thông qua trường hợp của bệnh nhân Q, ThS. BS Phạm Tuấn Việt nhấn mạnh bệnh nhân suy tim cần lưu ý:
- Thăm khám định kỳ: Bệnh nhân suy tim dù ở mức độ nào cũng phải theo dõi định kỳ tại chuyên khoa tim mạch để được phát hiện biến chứng sớm.
- Thăm khám ngay khi có các triệu chứng bất thường: Các triệu chứng bất thường như mệt, khó thở tăng lên hoặc triệu chứng mới xuất hiện cần thăm khám ngay với bác sĩ để có phương án điều trị kịp thời
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là truyền dịch tại nhà vì có thể gây nguy cơ phù phổi cấp thậm chí tử vong.