Nước muối diệt khuẩn cơ bản
Chị Phạm Mai Hà (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) gửi đến KH&ĐS thắc mắc về vấn đề có nên ngâm/rửa rau quả bằng nước muối. Theo thông tin chị tìm hiểu được trên các phương tiện truyền thông, việc rửa rau bằng nước muối là không có tác dụng gì. Cc hóa chất thuốc trừ sâu, ngâm nước muối không có tác dụng như nhiều người lầm tưởng. Ngâm nước muối còn làm cho thực phẩm trở nên độc hại hơn do những hóa chất này không tan vào nước được, vẫn bám lại trên rau quả sau quá trình ngâm, rửa, các chất bẩn thẩm thấu ngược lại. Vậy có nên ngâm, rửa rau quả bằng nước muối?
ThS Lê Thanh Quỳnh cho biết, rau ăn lá được xếp vào dạng ô nhiễm nhiều nhất và nguy cơ mang mầm bệnh tả cao do chứa nhiều vi khuẩn E.Coli và Salmonella từ việc tưới phân tươi trực tiếp lên lá. Vì thế, khi mua về, nên nhặt sạch rau, ngâm qua nước và bắt đầu rửa từng lá, cọng dưới vòi xối để đảm bảo rau sạch trước khi nấu.
PGS.TS Phạm Văn Nho, Trung tâm Vật lý Ứng dụng, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, quan niệm này vừa đúng vừa sai, việc áp dụng cũng cần linh hoạt. Trước hết phải khẳng định rằng nước muối không làm sạch hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu còn bám trên rau quả.
Hiện nay chưa một dung dịch nào có thể loại trừ hoàn toàn thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trên các loại rau, củ và các thực phẩm khác. Thế nhưng việc ngâm, rửa rau quả bằng nước muối có tác dụng sát khuẩn, về cơ bản là loại bỏ các loại giun, trứng giun, vi khuẩn gây hại còn bám bên ngoài rau quả. Đây vẫn được coi là khâu sơ chế quan trọng để làm sạch rau quả.
ThS Lê Thanh Quỳnh, Học viện Nông nghiệp cho biết, ngâm rau quả với nước muối giúp loại bỏ các vi khuẩn như E. coli, Coliforms hay Salmonella. Cơ chế để nước muối có thể loại bỏ các vi sinh vật là tất cả các vi sinh vật có một màng bán thấm, chúng sẽ chịu một áp lực thẩm thấu để nước di chuyển vào ra tế bào. Nước sẽ di chuyển từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp.
Khi vi khuẩn bị ngâm trong môi trường nước muối, nồng độ nước trong tế bào của chúng cao hơn. Nước sẽ bị rút sạch ra phía bên ngoài, các vi sinh vật sẽ teo lại và chết. Như vậy, việc ngâm rau quả trong nước muối có tác dụng loại bỏ vi khuẩn gây hại.
Ngâm/rửa bằng nước muối đúng cách
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Nho thì đúng là nước muối có thể làm các chất độc bám trên rau củ khó tan hơn, nhưng nguyên tắc là rửa sơ chế bằng nước sạch trước khi rửa bằng nước muối thì chắc chắn sẽ tốt hơn là bỏ qua khâu này.
“Để an toàn, tôi chọn cách chần qua rau bằng nước sôi rồi mới chế biến. Nhưng cách này cũng có nhược điểm là làm giảm vitamin và chất khoáng có trong rau, màu sắc thực phẩm sau khi chế biến không đẹp mắt, mùi vị cũng có phần biến đổi. Có người chọn cách mua về, để vào ngăn mát tủ lạnh cho thành phần hóa chất có trong rau quả bị loãng ra cũng có thể nói là an toàn hơn, nhưng rau củ không còn tươi, thành phần và mùi vị không được như khi vừa mới thu hoạch”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Theo các chuyên gia, cho đến nay, rửa rau quả bằng nước muối vẫn là biện pháp an toàn và không có hại gì. Không thể có bất cứ loại tẩy rửa nào đảm bảo rửa sạch rau một cách tuyệt đối.
Nếu nước rửa rau quả sử dụng các chất như nước khử ion… chỉ có tính chất sát trùng, sát khuẩn, chứ không có khả năng tẩy rửa, còn nếu sử dụng các chất hoá học để tẩy rửa thì rất có thể sẽ gây ra những tác hại xấu. Trong khi không thể hòa tan thuốc trừ sâu và bảo quản bằng cả nước thông thường hay nước muối thì hãy dùng đến biện pháp cơ học. Rửa nhiều lần dưới vòi nước chảy là cách đơn giản, an toàn để làm sạch rau quả.
Bảo Khánh