Quả la hán có tỷ lệ đường cao, gấp 300 lần so với mía, dễ hoà tan trong nước và dung dịch cồn, có tính ổn định tốt, không bị phân hủy ở nhiệt độ 160 độ.
Theo các nghiên cứu, gluco từ quả la hán có hiệu quả chữa bệnh, nâng cao chức năng hoạt động của dạ dày, giảm nóng, ẩm phổi, làm mất cảm giác khát, giảm đờm và chống virus. La hán dùng rất tốt cho người mắc bệnh phổi họng, ho hen, huyết áp cao, tiểu đường. Ngoài ra, người ta còn thấy nước sắc của quả la hán để trấn khái (chống ho), khử đàm (trừ đờm), tăng cường chức năng miễn dịch của các tế bào. Trà la hán còn là thứ giải khát giàu dinh dưỡng, rất thích hợp với người bị nóng trong mà Đông y gọi là thể tạng uất hỏa nội kết.
Quả la hán dùng để trị chứng ho khan, huyết táo đại tiện bí (do phế nhiệt). Lấy la hán quả 1- 2 quả sắc nước, cho ít mật ong uống ít một. Để chữa viêm họng, lấy quả la hán thái hãm với nước sôi, uống thay nước trong ngày. Chữa chứng viêm thanh quản (mất tiếng) lấy la hán 1 quả, thái miếng sắc lấy nước uống 2- 3 lần trong ngày hoặc uống dần mỗi lần một ít. Để chữa ho gà lấy la hán 1 quả, hồng khô 25g, sắc lấy nước uống; hoặc la hán 1 quả, phổi heo bóp hết bọt 40g, hầm nhừ, nêm gia vị ăn. Chữa ho đờm vàng quánh lấy la hán 20g, tang bạch bì 12g, sắc lấy nước uống trong ngày. Để bổ phế (hỗ trợ trong trị lao) lấy la hán 60g, thịt lợn nạc 100g, hai thứ thái lát cho hầm cùng, nêm gia vị, ăn cùng cơm. Để chữa táo bón, dùng la hán sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày.
Lưu ý: Phụ nữ có thai, người bị đái tháo đường dùng ít.
DS Nguyễn Văn Hào (Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)