Phục hồi sau điều trị lao phổi tránh di chứng

Chăm sóc và theo dõi sau khi hoàn thành điều trị lao thường bị bỏ qua. Sau khi hoàn thành điều trị, mặc dù cơ thể đã tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn lao nhưng vẫn có thể để lại những triệu chứng hoặc di chứng do lao hoặc thuốc.

Tỷ lệ tử vong sau điều trị lao cao gấp 2,9 lần

Theo số liệu nghiên cứu, những người sau khi hoàn thành điều trị lao có tỉ lệ tử vong cao gấp 2,9 so với người khoẻ mạnh.

Vì vậy, công tác chăm sóc và theo dõi sau khi hoàn thành điều trị lao là rất quan trọng, bao gồm:

Theo dõi y tế ngay sau khi kết thúc điều trị và mỗi 6 tháng trong ít nhất 2 năm đầu để đánh giá đáp ứng điều trị và các di chứng để lại như: tổn thương sẹo xơ trên phổi, giãn phế quản, xẹp phổi, nấm phổi, rối loạn thông khí hạn chế, rối loạn thông khí tắc nghẽn, chức năng gan thận, các tác dụng phụ của thuốc ….

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể:

- ăn nhiều rau xanh, hoa quả

- uống nhiều nước

- Ăn protein và chất béo lành mạnh.

- Tránh ăn chất béo bão hoà và tránh uống rượu bia gây ảnh hưởng đến gan.

- Tập thể dục vừa theo sức khoẻ khoảng 30 phút/ngày.

Phục hồi sau điều trị lao phổi tránh di chứng ảnh 1

Phục hồi sau điều trị lao phổi tránh di chứng

Cách tránh tái phát lao

Bệnh lao do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Lao phổi chiếm 80% các thể bệnh lao, tuy nhiên cũng có thể gặp ở cơ quan khác (hạch, màng phổi, màng não, xương khớp …)

Năm 2016, Việt Nam có 180.000 người mắc lao, đứng thứ 15/30 thế giới, hàng năm phát hiện thêm khoảng 128.000 trường hợp lao mới mắc.

Bệnh lao hay gặp ở người suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy.

Bệnh lao lây truyền từ người sang người. Người bệnh lao khi ho, hắt hơi sẽ phát tán các giọt bắn chứa vi khuẩn lao vào không khí, và người khác có thể hít phải

Sau khi hít phải vi khuẩn lao, 90% các trường hợp vi khuẩn lao sẽ bị các tế bào miễn dịch bắt giữ và không thể gây bệnh.

Chỉ khoảng 10% những người hít phải vi khuẩn lao sẽ tiến triển thành bệnh lao, khi hệ miễn dịch suy giảm hoặc khi tiếp xúc nhiều, kéo dài cao với vi khuẩn lao và vượt quá khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch. Để phòng lây nhiễm lao và lao tái phát cần thực hiện:

- Những phòng bệnh có người bệnh lao điều trị hoặc sinh hoạt cần được mở cửa thông thoáng khí, đảm bảo không khí được lưu thông. Tránh đóng kín cửa hay bật điều hòa dễ phát tán nguồn bệnh cho những người xung quanh.

- Hạn chế người bệnh lao phát tán vi khuẩn lao ra ngoài môi trường bằng cách:

- Những người mắc lao phổi cần dùng khẩu trang. Hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, hay mỗi khi hắt hơi, ho. Không khạc nhổ bừa bãi. Nên khạc đờm vào giấy hoặc ca/cốc. Sau đó bỏ đúng nơi quy định

- Rửa tay xà phòng thường xuyên.

- Những người tiếp xúc với người mắc bệnh lao cần tự bảo vệ cho mình. Tốt nhất là đeo khẩu trang bảo vệ hô hấp đạt tiêu chuẩn mỗi khi nói chuyện với người bệnh lao. Do khẩu trang thông thường ít có tác dụng bảo vệ nhiễm vi khuẩn lao. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ nhằm nâng cao sức đề kháng

- Tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của bác sỹ. Khả năng lây lan giảm mạnh ở những người đã điều trị từ 2 –4 tuần trở lên.

- Thường xuyên giặt giũ phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn.

-Tiêm phòng vắc xin BCG nhằm giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao.

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi sống cùng nhà với người bệnh lao phổi. Hoặc với người lớn nhiễm HIV hiện không mắc lao cần được điều trị lao tiềm ẩn bằng thuốc isoniazid. Thời gian uống đối với người lớn là 9 tháng, trẻ em là 6 tháng.

ThS.BS Trường Thi (Bệnh viện Phổi TW)

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top