Phụ nữ là người giữ gìn gia phong

(khoahocdoisong.vn) - Phụ nữ là người giữ gìn gia phong - chia sẻ của bà Nguyễn Thị Xuân Trường, người vừa được tặng bằng khen Người tốt việc tốt năm 2018 của TP Hà Nội.

Dạy con những điều các cụ đã dạy

Trong cuộc sống, điều gì khiến bà hài lòng nhất?

Tôi hài lòng nhất là về gia đình. Tôi có 3 cô con gái ngoan ngoãn. Không chỉ hiếu thảo với bố mẹ, mà còn thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Lại được 3 người con rể tuyệt vời. Các bên thông gia cũng rất tốt. Anh chị các cháu vẫn gọi chúng tôi là bố mẹ, không hề có sự phân biệt.

Hồi ông nhà tôi mất, mấy ông bà sang nhà xin cho các cháu được chống gậy. Cái đó là tình cảm, là sự chân thành. Họ còn cảm ơn mình đã sinh ra và nuôi dạy được những cô con gái giỏi giang như vậy để họ có được người con dâu tuyệt vời.

Đó là phần thưởng lớn nhất cho người mẹ?

Đúng là nghe người ta nói vậy cũng mát lòng mát dạ, không có gì vui bằng. Tiền bạc cũng không mua được những thứ như thế. Nhiều nhà giàu có, nhưng con cháu không hòa thuận, ai biết phận người nấy, thậm chí còn tranh chấp của cải, mâu thuẫn với nhau. Thế thì làm sao mà sung sướng được.

Để có được sự mãn nguyện như ngày hôm nay, trước đây bà nuôi dạy các con có vất vả không ạ?

Nuôi dạy con thì ai cũng vất vả. Cả tôi và nhà tôi đều là người Hà Nội, nên từ bé đã được các cụ dạy dỗ rất cẩn thận. Nhất là con gái, từ dáng đi, lời nói, tác phong… cũng được uốn nắn hàng ngày. Con gái không được nói to, cười hô hố, phải nhỏ nhẹ, lịch sự. Được dạy rất kỹ về nữ công gia chánh, nấu ăn không những ngon mà còn phải trình bày cho đẹp…

Sau này lớn lên, dù 18 tuổi đã theo đoàn văn công Quân khu ba vào chiến trường, giải phóng Thủ đô mới được về Hà Nội, nhưng cái nếp sống của gia đình đã ăn sâu vào đầu óc mình rồi. Và mình cũng dạy con cái những điều mà các cụ dạy mình.

Giữ gìn gia phong, khó nhất là phải có cái gốc, cái bản chất. Không có cái gốc thì làm sao mà giữ được. Cả đời nuôi con, rồi đến các cháu nữa, tôi chưa bao giờ phải đánh hay phải to tiếng với ai. Các con tôi cũng theo nếp ấy. Từ những việc rất nhỏ trong gia đình, chúng ta quy ước với nhau, nhắc nhở nhau để thành nếp sống của gia đình mình. Từ ông bà, cha mẹ đến con, cháu, chắt đều phải tuân thủ những nề nếp đó.

Tiếc nhưng khó mà giữ được

Những điều đó có còn phù hợp với cuộc sống bây giờ?

Các con tôi bảo, mẹ dạy con gái bao giờ cũng phải có hộp kim chỉ để phòng khi chẳng may sứt chỉ, đứt khuy… Nhưng bây giờ cái gì cũng dùng máy cả rồi. Không như thời bao cấp, tôi vẫn tự mua vải vụn về cắt may thêu thùa, còn làm được những đôi giày đính cườm rất đẹp.

Hay như sau này cưới con, 40 mâm cỗ cũng tự nhà làm, ai cũng khen ngon. Công nhận là tự làm thì vất vả thật, nhưng mà vui và mình học thêm được rất nhiều. Còn bây giờ có tiếc thì tiếc thật, nhưng khó mà giữ được. Hơn nữa thời gian không có, học cũng nặng mà đến lúc đi làm cũng vất vả. Rồi ảnh hưởng của lối sống cái gì cũng sẵn. Nhưng biết làm sẽ tốt hơn.

Ngay cả đến nề nếp cũng thay đổi?

Bây giờ thoáng hơn rất nhiều. Tôi nhớ ngày xưa, trẻ con phải khoanh tay chào, rồi ăn nói phải thưa gửi rất cầu kỳ. Giờ không bắt buộc phải thế. Cái mà chúng ta phải giữ, phải dạy cho con cháu là sự kính trên nhường dưới, biết cảm thông, chia sẻ, yêu thương, đoàn kết trong gia đình.

Chắt của tôi mới học lớp 1, nhưng rất có ý thức, mỗi lần đến đây đều bắt mẹ phải lên lễ cụ. Vì nó được dạy phải tôn trọng cụ, có cụ thì mới có ông bà, bố mẹ, rồi mới có cháu, chắt. Tôi rất cảm động.

Có ý kiến cho rằng, xã hội nhiều tệ nạn, trong gia đình mình có dạy thì ra xã hội vẫn bị ảnh hưởng?

Tệ nạn hay không là do giáo dục của nhà mình. Giáo dục phải từ gia đình, từ nết ăn nết ở được nhắc nhở hàng ngày cho thành nếp đi, chứ ra xã hội khó dạy lắm. Nếu có sự dạy dỗ, quan tâm của bố mẹ, luôn để mắt đến con cái thì sẽ không hư hỏng. Xã hội càng lắm tệ nạn thì giáo dục gia đình càng cần phải đề cao.

Con cái học tập ở mẹ là chính

Giữ gìn nề nếp, gia phong được hay không là do người mẹ?

Tất nhiên là phải cả cha và mẹ. Tôi may mắn gặp được ông nhà tôi cũng là một người Hà Nội, gia đình gia giáo, về nếp sống rất hợp nhau. Nhưng đàn ông nhiều khi nóng tính nên người cầm cân nảy mực trong gia đình, người giữ gìn gia phong phải là người phụ nữ. Phụ nữ là người xây dựng và gìn giữ hạnh phúc, vun đắp khối đoàn kết trong gia đình.

Con cái học tập ở mẹ là chính. Từ cách đi chợ, quản lý gia đình đến công việc nữ công gia chánh cần rất nhiều sự tỉ mỉ mà chỉ có mẹ mới dạy được các con.

Có lẽ chính vì sự tỉ mỉ ấy mà nhiều người cho rằng khó giữ được nề nếp?

Nói là khó thì cũng khó mà dễ thì cũng dễ. Bởi vì nếu gia đình không có nề nếp thì rất khó dạy con cái. Bố mẹ sống bừa bãi, nói năng thô lỗ, ích kỷ, không biết quan tâm đến mọi người xung quanh… thì làm sao dạy con ngoan ngoãn, lễ phép được.

Chị giúp việc ở với chúng tôi 10 năm rồi, dạy rất nhiều, nhắc rất nhiều là không được nói trống không, nhưng không sửa được. Nhiều lần mình tức đến chảy nước mắt vì chị nói hỗn, nhưng nghĩ lại chẳng qua chị ấy quen nói thế rồi, coi đó là chuyện bình thường. Qua đó mới thấy cái lối sống được hình thành từ bé, đã thành nếp quen rồi rất khó sửa.

Còn dễ là vì sao ạ?

Nếu trong gia đình có trật tự rõ ràng trên ra trên dưới ra dưới, mọi người yêu thương, kính trọng nhau thì từ khi sinh ra con người ta đã được sống trong môi trường đó rồi, mọi việc cũng đơn giản, tự nhiên như hít thở không khí vậy.

Cuộc sống hiện đại, người phụ nữ cũng bận nhiều công việc xã hội, đi làm về muộn, con cái nhiều khi phó mặc cho người giúp việc, làm sao giữ được gia phong, thưa bà?

Cứ cho là đi làm đến 7-8h tối hay là kể cả có đi công tác vắng thì vẫn phải có thời gian sống với nhau, thời gian dành cho gia đình. Vấn đề là ta có thực sự muốn giữ hay không. Chỉ cần trong bữa ăn, hỏi han công việc của nhau, hỏi xem hôm nay ở trường con có gì vui, có chuyện gì buồn không…Nếu đi vắng thì viết thư, gọi điện… Hay thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ phải có hoạt động gì đó dành cho gia đình. Đi chơi hay đưa nhau về thăm ông bà để trẻ con quen với việc đó, coi đó là truyền thống của gia đình.

Không cần phải ở bên nhau suốt ngày mới dạy được?

Như các cháu tôi bận việc thì con cái vẫn phải giao cho người giúp việc. Nhưng mỗi lần đến thăm cụ, tôi thấy các cháu vẫn luôn nhắc nhở con. Ví dụ đồ này của cụ, con không được tự ý lấy mang về mà phải hỏi xin phép cụ. Nếu có lúc trẻ con mải chơi nói trống không với cụ, là bố mẹ chúng cũng nhắc nhở ngay. Từ những việc rất nhỏ như thế, phải nhắc nhở, uốn nắn ngay để trẻ con được đưa vào nề nếp.

Trẻ con có khó chịu không ạ, khi mà ngoài kia rất nhiều bạn bè chúng sống thoải mái?

Nếu đang sống thoải mái mà bị gò vào kỷ luật thì sẽ thấy khó chịu. Nhưng nếu ta sống trong môi trường đó từ bé, hơn nữa ta lại nhận thấy những điều tốt đẹp của lối sống đấy thì sẽ thấy nó tự nhiên. Các cháu tôi đi học ở nước ngoài cả chục năm, mà về đây vẫn giữ được cái nếp ấy. Và lại dạy cho con của mình những điều đó. Tôi thấy đó là điều rất đáng mừng.

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top