TS Lưu Thị Bích Thu, nguyên giảng viên Trường ĐH Thủ Đô.
Hạnh phúc là sự thanh thản
Bà quan niệm thế nào là hạnh phúc?
Mỗi người có một quan niệm khác nhau. Ngay bản thân mình, mỗi tuổi cảm nhận hạnh phúc cũng khác. Khi còn trẻ, còn phải phấn đấu, mọi cái còn ở phía trước, hạnh phúc là đạt được những gì mình mơ ước trong cuộc sống, trong sự nghiệp…
Đến tuổi này, khi đã nghỉ hưu rồi, đủ chín về mọi việc, đã có những trải nghiệm rồi, thì hạnh phúc là sự thanh thản, trước tiên là trong tâm hồn. Muốn thanh thản, phải biết dừng lại ở đâu, biết bằng lòng với những cái mà mình đã có được. Hạnh phúc còn là sự bình yên trong gia đình, các mối quan hệ, với đất nước cũng mong bình yên.
Ở tuổi này, nhiều người vui với những chuyến đi, với bạn bè, còn bà vẫn bận rộn với các cháu?
Đúng là thấy bận hơn. Giữ cho gia đình ổn định, bố mẹ khỏe mạnh, các cháu ngoan ngoãn, khỏe mạnh để các con yên tâm đi làm, dạy các con cách xây dựng gia đình, quản lý gia đình là trách nhiệm của mình, không đẩy cho ai được. Hơn nữa, với mình giúp đỡ được ai, cống hiến được gì cho mọi người, thấy mọi người sung sướng thì mình cũng hoan hỉ, hạnh phúc.
Bà có bao giờ nghĩ, nếu sống riêng thì sẽ không vất vả thế?
Ngay lúc đầu mình đã nghĩ ở với bố mẹ sẽ học được rất nhiều về kinh nghiệm sống, vợ chồng không đi quá những ranh giới, lời ăn tiếng nói cũng phải giữ gìn hơn. Đó cũng là tu đấy.
Mẹ chồng mình rất tốt và có ý thức xây dựng gia đình truyền thống, mình học được rất nhiều từ bà. Trước đây, bà đã từng trông con cho mình, cho các em để chúng mình vừa đi làm vừa đi học. Thì nay đến lượt mình, vừa chăm sóc bố mẹ, vừa trông nom các cháu.
Với mình, việc muốn tách ra ở riêng có gì đó vô ơn. Mình sẵn sàng ở với bố mẹ cũng là tạo điều kiện cho các em yên tâm khi ở riêng. Các em tin tưởng mình, đấy cũng là hạnh phúc.
Tại sao bà không chọn cách đỡ vất vả hơn, ví dụ như thuê người giúp việc?
Trong nhà mình cũng có một cô giúp việc, nhưng chỉ làm một số việc nhà. Còn trông các cháu không thể buông bỏ, “tháo khoán” cho người giúp việc. Đâu phải đơn giản là chỉ cho ăn, cho chơi… mà là ôm ấp, thủ thỉ trò chuyện, là yêu thương, dạy dỗ…, họ không làm thay mình được. Vì nhận thức được điều đó, nên đáng lẽ còn 2 năm nữa mới nghỉ hưu nhưng mình đã xin về trước.
Tức là bà thấy hài lòng với cuộc sống của mình?
Hài lòng chứ. Nếu không hài lòng thì lúc nào cũng hậm hực, phát ốm lên mất và công việc này trở thành cưỡng bức. Mình hài lòng thì thấy nó bình thường.
Hơn nữa, đấy là mình tự quyết định, chứ các con chưa bao giờ bảo mẹ phải nghỉ làm để trông cháu. Chồng cũng không muốn mình phải nghỉ. Nhưng cái gì cũng có giai đoạn thôi. Vài năm nữa các cháu lớn lên đi học, có muốn gần gũi, chăm sóc chúng như lúc này cũng không được.
Ta cứ nói tham nhũng là căn bệnh ung thư xã hội, nhưng gia đình không có nền nếp đạo đức, không ổn định, tan vỡ đấy mới là ung thư. Bởi “gia đình là tế bào của xã hội”, tế bào đã hỏng, xã hội làm sao khỏe mạnh, tốt đẹp được.
Giữ được ổn định là nhờ gia đình
Nhưng tại sao ngày càng nhiều người trẻ thích ở riêng?
Nhiều người sợ ở với mẹ chồng, sợ sống trong gia đình lớn sẽ mất tự do, mất bản sắc của gia đình riêng. Thực ra, bản sắc của gia đình riêng cũng phải từ gia đình gốc, mang cốt cách, văn hóa của gia đình gốc, bởi vì đấy là giá trị của giáo dục gia đình.
Giáo dục gia đình phải là hàng đầu rồi mới đến nhà trường, xã hội. Nhiều khi đất nước tao loạn, hoặc xã hội biến động, nhưng con người ta vẫn giữ được ổn định, vẫn giữ được cốt cách là nhờ có gia đình.
Nói đến những gì tốt đẹp của gia đình, ta thường nói về gia đình truyền thống ngày xưa. Nhưng không thể trở lại được ngày xưa nữa. Vậy làm sao để giữ được những truyền thống tốt đẹp trong gia đình hiện đại?
Trước hết, bản thân người bố, người mẹ phải luôn có ý thức đưa các con về với cái “nôi” tuổi thơ của mình. Mỗi tuần hãy đưa con về thăm bố mẹ, kể cho con nghe, ngày xưa bố được bà tắm ở cái chậu này, mẹ gội đầu kiểu này.
Kể cho con nghe về tuổi thơ của mình, được bố mẹ dạy dỗ như thế nào. Nói cho con hiểu rằng, ngày xưa ông bà cũng trẻ như bố mẹ, bây giờ ông bà già yếu, chúng ta phải về thăm ông bà, để cho ông bà vui. Ngày rằm, mùng một mình thường rủ các con, các cháu lên ban thờ thắp hương, vừa làm vừa nói chuyện, cứ mỗi ngày một ít như thế sau này lớn lên chúng nó sẽ nhớ.
Với những người bận rộn, đi công tác, đi làm tối ngày, đến con cái còn giao cho người giúp việc thì làm thế nào mà dạy được?
Bận rộn, đồng ý, nhưng cũng phải có lúc dành cho gia đình chứ. Chỉ cần mỗi lần về phép, bạn dành thời gian đưa con cái đến chỗ nọ chỗ kia, về quê, thăm họ hàng. Vấn đề là phải nghĩ đến thì sẽ tìm ra cách.
Kể cả khi đi công tác xa, hãy viết thư, nhắc nhở, dặn dò các con, đấy cũng là dạy dỗ. Hồi chiến tranh, bố mình luôn gửi thư về dặn mình là chị cả phải giúp các em. Rồi khi về phép, bố đo chiều cao của mình để đóng cho cái đinh treo cặp, treo mũ. Đến bây giờ mình vẫn nhớ bố dạy phơi khăn mặt phải thế nào, để dép guốc phải thế nào, rất tỉ mỉ, rất kỹ. Còn nếu không nghĩ đến thì có ở ngay cạnh cũng không dạy được.
Nhập cuộc thì phải đúng chuẩn
Dường như chức năng của gia đình đã thay đổi nhiều, người ta quan tâm đến việc kiếm tiền hơn là dành thời gian dạy dỗ con cái?
Đó là một thực tế đáng buồn. Xã hội đã bị trượt qua quá nhiều, đánh mất quá nhiều rồi. Chừng nào đạo đức, giáo dục gia đình chưa được đề cao và dạy dỗ tử tế thì đừng nói đến chuyện khác. Có người nói học may vá thêu thùa làm gì, đi làm có tiền muốn mua là được.
Đúng là sau này có thể không làm những việc đó, nhưng nếu biết làm thì sẽ hiểu được giá trị của nó. Ví dụ như với mình, người giúp việc làm sai ở đâu là mình biết ngay. Phó mặc cho người giúp việc cũng là một cái mất hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc gia đình nhiều khi cũng bắt đầu từ cái dạ dày.
Như thế thì lại chất thêm gánh nặng lên phụ nữ, vì ngoài xã hội họ phải đi làm, phải kiếm tiền như nam giới?
Nó là cuộc sống hàng ngày, có gì vất vả đâu. Hơn nữa, phụ nữ có thiên chức đặc biệt là người giữ “ngọn lửa ấm” trong gia đình, là người trực tiếp và gần gũi nhất với con. Khi đã lập gia đình, chấp nhận nhập cuộc thì phải đúng chuẩn.
Sinh con là bản năng, nhưng để là một người vợ, người mẹ thực sự có trách nhiệm thì phải được giáo dục để quản lý, dạy dỗ con cái, để làm chủ một gia đình. Chừng nào gia đình không được chặt chẽ, chỉn chu, không được giáo dục cẩn thận, xã hội sẽ không vững mạnh. Phụ nữ ngày nay nhiều người rất giỏi, biết cách tổ chức gia đình để chồng con cùng tham gia làm việc nhà.
Nếu so với ngày xưa, thì làm cha mẹ bây giờ vất vả hơn nhiều?
Vất vả hơn, lo hơn và sức ép nhiều hơn. Thời các cụ, hết giờ là về không phải nghĩ gì. Con cái không phải học thêm, đứa chị dạy đứa em, đứa lớn trông đứa bé, học xong về nhà giao cho mỗi đứa một việc. Bây giờ nhiều thứ phải lo nghĩ, phải làm thêm để lấy tiền cho con học. Rồi ở nhà bố mẹ làm hộ mọi việc để con tập trung vào học. Đấy cũng là cái dở, con cái đến tuổi lập gia đình cũng không có kỹ năng quản lý gia đình.
Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!
Nhật Minh (thực hiện)