Phòng ngừa đau mỏi cổ vai gáy

(khoahocdoisong.vn) - Đau cổ vai gáy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, đến công việc. Nếu biết điều chỉnh tư thế làm việc, luyện tập, ăn uống hợp lý, khám điều trị đúng cách... sẽ mang lại hiệu quả.

Thoái hóa là quy luật của tự nhiên, không cưỡng lại được, gây đau cổ vai gáy. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại, bệnh đau mỏi vai gáy ngày càng phổ biến do áp lực công việc, do phải ngồi nhiều giờ liên tục, do tư thế làm việc, do lối sống... Để phòng ngừa và trị đau, hãy thực hiện cách sau:  

Chủ động luyện tập vùng cổ: Việc phải ngồi hay đứng với một tư thế cúi đầu hay nhìn thẳng trong một thời gian dài làm cho cột sống cổ phải chịu áp lực trọng lượng vùng đầu khá nặng. Từ đó dẫn đến ma sát làm các thành phần trong cấu trúc của vùng cột sống cổ bị tổn thương biến dạng và chèn ép vào dây thần kinh gây đau mỏi, cứng vai gáy.

Vì vậy, cần chủ động tạo ra các vận động vừa phải ở vùng cổ để thay đổi tư thế sau một khoảng thời gian nhất định. Tốt nhất là sau mỗi 1 tiếng nên có sự điều chỉnh tư thế, vận động vùng cổ một lần, nếu có thể thì tự xoa bóp cổ vai gáy. Việc này giúp tăng cường lưu thông lưu thông khí huyết, giãn cơ, giảm áp lực chèn ép lên dây thần kinh và giảm ứ trệ tại vùng cổ bị thoái hóa.

Ngủ với gối thấp và đệm ít lún: Nằm ngủ với gối đầu cao sẽ khiến cho vùng cổ trong tình trạng phải đỡ lấy trọng lượng của đầu. Bởi thế, cần điều chỉnh độ cao của gối đầu xuống mức hợp lý (phần đầu được nâng đỡ thẳng song song với mặt giường, như thế vùng cổ được thả lỏng hoàn toàn không phải chịu bất cứ lực nào của trọng lượng đầu tác động lên. Cũng nên chọn đệm nằm không võng lưng. Tốt nhất, nên nằm ngửa trên mặt giường phẳng và cứng. Nhờ đó toàn bộ cơ thể với cột sống sẽ ở trên một mặt phẳng giúp các cơ được thả lỏng, khí huyết lưu thông dễ hơn.

Khi bị mỏi cổ nên chườm nóng hoặc xoa bóp: Việc xoa bóp tác động lực vừa phải hay chườm hơi ấm nóng vừa phải đều có tác dụng rất tốt vì có thể phá tan các vùng ứ trệ gây đau. Cách chườm nóng đơn giản nhất là lấy khăn hơ nóng hay nhúng nước nóng rồi vắt khô đắp lên vùng cổ bị đau mỏi, tê cứng.

Bổ sung các hoạt chất tốt cho xương: Người bị thoái hóa đốt sống cổ nên tăng cường những thực phẩm tốt cho hệ xương khớp. Bao gồm các chất canxi, vitamin K, omega-3… là các chất tốt cho quá trình hồi phục hình thái và chức năng của cột sống cổ. Các chất này có nhiều trong sữa động vật, đỗ tương, cà rốt, cá hồi, cá ngừ, hạt óc chó…

Tránh tiếp xúc với thời tiết cực đoan: Trời quá rét hoặc nhiều mưa gió… đều dễ dẫn đến các cơ bị kích thích có thể gây co cứng, mạch máu thần kinh bị chèn ép. Theo quan điểm của y học cổ truyền là ngoại tà gồm phong, hàn, thấp xâm nhập vào cơ thể khiến các điểm ứ trệ ở vùng cột sống bị thoái hóa càng nặng thêm. Do vậy, người bệnh thoái hóa cột sống nên hạn chế tối đa việc ra ngoài và tiếp xúc với thời tiết xấu.

Giữ tinh thần vui vẻ: Đau và sự khó vận động khiến người bệnh thường thấy khổ sở, chán chường. Điều này khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái suy nhược thần kinh kéo theo suy nhược cơ thể. Bởi vậy, người bệnh cần giữ cho tinh thần thoải mái, lạc quan nhất có thể. Cố gắng đảm bảo ăn ngủ, sinh hoạt điều độ với tâm lý thư thái.

BSCKII Hà Tường (Bệnh viện Phòng không – Không quân)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top