Phòng, chống lãng phí sẽ phát huy hiệu quả nguồn lực... phát triển đất nước

Việc phòng, chống lãng phí không chỉ cần thiết, mà là điều kiện tiên quyết để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược của quốc gia.

Việt Nam chỉ có thể xây dựng một nền kinh tế bền vững và phát triển toàn diện, đưa đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển thịnh vượng khi chống lãng phí một cách quyết liệt, đồng bộ và toàn diện.

TSKH Phan Xuân Dũng, Đại biểu Quốc hội Khóa XV trích dẫn bài viết Chống lãng phí của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước”.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Ảnh: Mai Loan

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Ảnh: Mai Loan

Quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Quán triệt và cụ thể hóa bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về Chống lãng phí, Đảng đoàn và Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tập trung chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, Đảng viên.

“Tập thể cán bộ, Đảng viên phải đấu tranh với bệnh sợ trách nhiệm, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm; tăng cường rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực”, Chủ tịch Phan Xuân Dũng khẳng định.

Nhìn nhận về công tác phòng, chống lãng phí, chống tham nhũng trong thời gian qua, TSKH Phan Xuân Dũng bày tỏ: Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã triển khai hàng loạt các biện pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực quốc gia. Nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng đã được ban hành, từ Nghị quyết số 04-NQ/TW năm 2006 đến Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị năm 2023, nhằm đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực.

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, TSKH Phan Xuân Dũng nhận định: Lãng phí vẫn tồn tại khá phổ biến và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ ở việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tài sản công, mà còn liên quan đến việc tổ chức, quản lý và vận hành bộ máy nhà nước.

“Việc sử dụng thời gian không hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà, quản lý yếu kém trong các doanh nghiệp Nhà nước, các dự án đầu tư công lớn là rất lãng phí, gây tổn thất về tài chính và niềm tin của nhân dân. Nếu không có biện pháp quyết liệt và đồng bộ, lãng phí tiếp tục là rào cản phát triển kinh tế-xã hội và làm lỡ những cơ hội vươn mình của đất nước”, Chủ tịch VUSTA nói.

Đẩy mạnh công tác chống lãng phí trong giai đoạn mới

Theo TSKH Phan Xuân Dũng, trước cơ hội lịch sử đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, mọi nguồn lực từ tài chính, con người đến vật lực đều cần được sử dụng một cách tối ưu nhất. Để nắm bắt cơ hội này, công tác phòng, chống lãng phí cần được thực hiện quyết liệt, toàn diện và phải trở thành một phong trào thi đua tự giác của toàn xã hội.

Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, cần thống nhất nhận thức về việc chống lãng phí là một cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go và phức tạp, nên cần tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong cán bộ, Đảng viên và người dân.

TSKH Phan Xuân Dũng nêu quan điểm về tính cấp thiết hoàn thiện và triển khai hiệu quả hệ thống pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Những hành vi gây thất thoát tài sản công phải được xử lý nghiêm minh, không để tình trạng lãng phí kéo dài; đồng thời, cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ từ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lãng phí.

“Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí cần được coi là nhiệm vụ hàng đầu; không chỉ xuất hiện trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, mà còn phải lan tỏa đến từng hộ gia đình, từng cá nhân, từ việc quản lý tài chính đến cách thức sử dụng tài nguyên hàng ngày”, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng đề xuất.

Theo Đời sống
back to top