Phong bế thần kinh trị đau xương khớp có hiệu quả?

Ứng dụng liệu pháp phong bế thần kinh trị đau nói chung và đặc biệt là đau cột sống thắt lưng, đau cổ vai gáy… hiệu quả đến đâu và ai có thể áp dụng để trị liệu?

Trao đổi của PV Khoa học và Đời sống, BS Nguyễn Nam Bình, Trung tâm Điều trị Đau, Bệnh viện FV cho biết, có rất nhiều bệnh nhân bị đau xương khớp, đặc biệt là đau cột sống thắt lưng đã được điều trị hiệu quả bằng phương pháp phong bế thần kinh. Tuy nhiên, phương pháp này không có tác dụng trị đau vĩnh viễn, mỗi lần tiêm có thể kéo dài vài tháng, nhưng thực tế nhiều trường hợp đã trên một năm mà vẫn chưa bị đau tái lại.

Phòng phong bế thần kinh cho bệnh nhân tại BV FV.

Phòng phong bế thần kinh cho bệnh nhân tại BV FV.

Gây tê tại chỗ các dây thần kinh

Chị Đỗ Thị H., 39 tuổi (TPHCM) bị thoát vị đĩa đệm đau đớn đến mất ăn, mất ngủ, phát khóc khi thăm khám. Chị cho biết, chị đã bị thoát vị đĩa đệm nhiều năm, chữa khắp nơi nhưng bệnh chỉ thuyên giảm chứ không khỏi, mỗi lần phát bệnh, chị đau nhiều hơn thậm chí lan tới chân khiến đi lai rất khó khăn…

Các trường hợp chống chỉ định phong bế thần kinh: nhiễm khuẩn tại vị trí tiêm; có tiền sử dị ứng với thuốc tê, giảm dung lượng máu nặng, thiếu hụt các yếu tố đông máu toàn bộ, nhiễm khuẩn huyết, tăng áp lực nội sọ, hẹp động mạch chủ, bệnh phổi nặng, các bệnh lý thần kinh như bệnh xơ cứng rải rác hoặc bệnh cơ cứng cột bên teo cơ….

Sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ định phong bế thần kinh cho chị. Tuần đầu trị liệu chị vẫn đau nhưng sau 2 tuần tái khám chị đã hết đau, sau 1 năm chị thấy sức khỏe khá tốt.

Theo tìm hiểu, phong bế thần kinh thực ra là kỹ thuật tác động trên thần kinh ngoại vi hoặc thần kinh trung ương (trên cột sống) nhằm ngăn chặn sự truyền dẫn tín hiệu đau gửi về não bằng cách gây tê tại chỗ cho các dây thần kinh. Hoạt chất sử dụng cho quá trình phong bế chủ yếu là thuốc gây tê và thuốc chống viêm corticoid.

Kỹ thuật này được thực hiện rất nhiều cách, các bác sĩ có thể phong bế thần kinh dưới sự hướng dẫn của siêu âm hoặc vào mốc giải phẫu hoặc cao cấp hơn là máy X-quang cong, CT... để xác định chính xác vị trí của thần kinh khi bơm thuốc và tránh chảy máu hoặc cắt đứt thần kinh.

BS Nguyễn Nam Bình đang tư vấn cho bệnh nhân.

BS Nguyễn Nam Bình đang tư vấn cho bệnh nhân.

Chỉ có tác dụng giảm đau

BS Nguyễn Nam Bình cho biết, liệu pháp phong bế thần kinh được chỉ định điều trị trong rất nhiều lĩnh vực như: Đau và trong phẫu thuật cấp tính hoặc mạn tính; Đau trong ung thư (đốt hạch thần kinh gây những cơn đau khó chịu mà thuốc hoặc morphin không giải quyết được); Đau zona hoặc đau dây thần kinh tam thoa…và đặc biệt là đau trong các bệnh lý xương khớp.

Tuy nhiên, theo BS Bình không phải tất cả các bệnh nhân bị đau xương khớp đều có thể sử dụng liệu pháp này. Bác sĩ phải thăm khám đánh giá trên lâm sàng về bệnh sử, quá trình diễn tiến của bệnh cũng như chẩn đoán hình ảnh... để đưa ra chỉ định phù hợp. Có trường hợp được thực hiện ngay nhưng các trường hợp nhẹ được điều trị thuốc trước đến khi kháng trị mới thực hiện phong bế thần kinh.

Trong điều trị đau mạn tính, phong bế thần kinh đạt hiệu quả lâu dài hơn so với thuốc uống. Chẳng hạn bệnh nhân uống thuốc thì thời gian tác dụng giảm đau mau hết, nếu chưa điều trị được mà dùng thuốc kéo dài sẽ khiến tác dụng phụ trên gan, thận, tăng lên… Lúc này, lựa chọn phong bế thần kinh tác dụng tại chỗ kết hợp các loại thuốc điều trị ít tác dụng phụ trên dạ dày hoặc gan thận hơn để đạt được hiệu quả điều trị lâu dài.

Phương pháp này hữu ích với các bệnh nhân đã có chỉ định phẫu thuật nhưng không phẫu thuật được vì những lý do sức khỏe khác như bệnh lý tim mạch hoặc bệnh nhân già yếu không muốn phẫu thuật, sử dụng thuốc... để đạt được hiệu quả giảm đau trong một thời gian nhất định.

BS Nguyễn Nam Bình thăm khám cho bệnh nhân.BS Nguyễn Nam Bình thăm khám cho bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, chuyên gia phẫu thuật cột sống và chấn thương chỉnh hình (BV Việt Đức), Viện trưởng viện nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc cho biết, bệnh xương khớp gây đau do rất nhiều căn nguyên khác nhau. Điều trị xương khớp dựa trên điều trị căn nguyên bệnh lý kết hợp với điều trị quản lý đau. Trong điều trị quản lý đau có rất nhiều phương pháp: Dùng các thuốc giảm đau; Phục hồi chức năng; Tiêm phong bế rễ thần kinh; Châm cứu; Đốt sóng cao tần…

Tiêm phong bế thần kinh chỉ có tác dụng tạm thời và nó không phải lại phương pháp đem lại hiệu quả lâu dài. Sự đáp ứng ở mỗi bệnh nhân là khác nhau nên thủ thuật thường được tiến hành từng đợt và sau đó ngừng lại để đánh giá hiệu quả. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy tốt hơn sau một đợt tiêm, bên cạnh đó số khác lại nhận thấy hoàn toàn không có sự cải thiện nào cả. Trong trường hợp phong bế thần kinh không đem lại hiệu quả thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn một phương pháp điều trị khác.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng phong bế thần kinh là phương pháp giúp giảm đau cho người bệnh nhưng nó không phải là phương pháp giúp kéo dài cuộc sống cũng như cải thiện tiên lượng của bệnh nhân.

"Các nguyên nhân đau của cơ xương khớp thường bắt nguồn từ thoái hóa sụn và xương. Ngày nay có nhiều phương pháp ứng dụng trong kiểm soát và phòng chống thoái hóa bởi các công nghệ y học tái tạo mở ra hướng mới trong điều trị căn nguyên của bệnh lý cơ xương khớp" - PGS.TS Nguyễn Đình Hòa cho biết thêm.

Tác dụng phụ: Khi phong bế thần kinh có thể gây tăng huyết áp, đường huyết, chảy máu, nhiễm trùng, phản ứng với thuốc tê hay tiêm vào mạch máu… Để hạn chế và tránh các biến chứng, bác sĩ cần phải khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân thật cẩn thận và chi tiết, rõ ràng.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top