Phẫu thuật u xương khổng lồ cho chàng trai 18 tuổi

(khoahocdoisong.vn) - Mới đau chân 5 tháng nhưng khối u xương đã phát triển hơn 4kg, làm hỏng khớp gối và gẫy xương đùi. Sau hơn 5 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ được khối u, thay khớp gối và xương đùi, bảo vệ tồn chân cho bệnh nhân.

Chân to, người gầy sút

Trong thư cảm ơn các bác sĩ, mẹ bệnh nhân Tạ Xuân T. (18 tuổi, Phú Thọ) cho biết, 4 tháng trước con chị đi đá bóng về thì bị sưng đau đùi trái. Đi khám được chẩn đoán ung thư xương. Điều trị hóa chất tiền phẫu 2 tháng tại Bệnh viện K, chân vẫn sưng to, đau nhiều. Khi phải giãn cách xã hội do Covid-19 không được điều trị, chân T. to không thể đi lại được, người gầy sút. Không đợi được hết phong tỏa chị đã chuyển con tới điều trị tại một cơ sở khác.  

BS Nguyễn Trần Quang Sáng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật u xương phần mềm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân T. với khối u khổng lồ vùng đùi. 

U xương trước phẫu thuật.

U xương trước phẫu thuật.

Thăm khám ban đầu xác định, khối u to nhanh vì xương đùi bị tế bào ác tính phá hủy làm gẫy xương, hậu quả là chảy máu trong u số lượng lớn có thể hơn 1.000ml máu. Để loại bỏ khối u lớn như vậy thì phẫu thuật cắt cụt được cân nhắc, bởi thể trạng bệnh nhân yếu, đặc biệt là khối u phá hủy gần hoàn toàn xương đùi, xâm lấn phần mềm rộng.

Tuy nhiên, bệnh nhân mới 18 tuổi, nếu cắt cụt chân sẽ để lại hậu quả tâm lý nặng nề. GS.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Khớp – Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã quyết định phẫu thuật loại bỏ khối u đồng thời giữ lại chân cho bệnh nhân.

Khối u được bóc tách trong phẫu thuật.

Khối u được bóc tách trong phẫu thuật.

Cuộc chiến cam go để bảo tồn chân

GS.TS Trần Trung Dũng cho biết, ung thư xương là loại được ghi nhận trong 10 loại ung thư phổ biến ở nam giới. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên, chiếm khoảng 5% trong tổng số các loại ung thư trẻ em. Đây là loại bệnh rất nặng do tính chất bệnh phát triển nhanh, di căn sớm chủ yếu vào phổi.

Khối u được lấy ra.

Khối u được lấy ra.

Theo GS.TS Trần Trung Dũng, với khối u khổng lồ như của bệnh nhân T., kỹ thuật mổ thông thường không thể thực hiện được, các bác sĩ đã lên kế hoạch ứng dụng công nghệ 3D. Cuộc đại phẫu đầy cam go được tiến hành 12/6, kéo dài hơn 5 tiếng. Toàn bộ khối u 4kg, dài 30cm, chiếm 3/4 toàn bộ xương đùi đã được loại bỏ với diện cắt tủy xương an toàn (tức là không còn tế bào ác tính). Ngay trong mổ bệnh nhân được truyền 1.000ml.

Sau khi đánh giá kỹ diện cắt an toàn xương phần mềm GS.TS Trần Trung Dũng quyết định thay khớp gối và 2/3 xương đùi nhân tạo, phục hồi chức năng chi thể cho bệnh nhân. Sau mổ 3 ngày bệnh nhân có thể đi lại bằng dụng cụ hỗ trợ:

GS.TS Trần Trung Dũng nhận định, đây là khối u với đường kính và chiều dài lớn nhất vùng xương đùi được phẫu thuật. Trường hợp này nếu mổ chậm chút nữa, khi đó u phát triển thêm một vài cm thì bệnh nhân sẽ phải thay toàn bộ xương đùi, 1 ca phẫu thuật không chỉ lớn mà còn rất tốn kém. Chưa kể đến cơ hội bảo tồn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ca bệnh này do gia đình khó khăn, Quỹ Mặt trời hy vọng và Quỹ Thiện tâm đã ủng hộ 100 triệu đồng tiền phẫu thuật cho em.

Bệnh nhân tập đi sau 3 ngày.

Bệnh nhân tập đi sau 3 ngày.

Các chuyên gia đều khuyên, khi thấy đau xương (lúc đầu có thể đay ít ngắt quãng, sau đó đau liên tục và kéo dài); Đau gây ảnh hưởng tới toàn thân như mệt mỏi, mất ngủ, đau nhói kiểu gẫy vụn; Đau bất kể có u hay không sờ thấy u đều phải thăm khám và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa ung thư cơ xương khớp, nắm bắt giai đoạn vàng của bệnh, phát hiện các biến chứng sớm xảy ra. Sau khi phát hiện bệnh thì cần đi lại nhẹ nhàng bằng nạng, hoặc ngồi xe lăn tránh va chạm. Vì lúc này xương dễ gẫy đặc biệt sau truyền hóa chất làm xương hoại tử, chảy máu trong u gây thiếu máu toàn thân và làm giảm cơ hội bảo tồn chi thể.

Theo Đời sống
back to top