Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân trật khớp cổ cao

95-97% bệnh nhân (BN) bị trật đốt sống cổ cao khớp chẩm-đội tử vong tức thì không có cơ hội đến bệnh viện (BV). Nhờ chuyên môn sâu và trang thiết bị hiện đại, các bác sĩ BV Xanh Pôn đã phẫu thuật và cứu được BN bị chấn thương sột sống (CTCS) cổ cao, trật khớp chẩm-đội, trật C1-C2.

Chết tức thì không có cơ hội đi viện

BN H.Q.V, 26 tuổi (Hà Nội), bị tai nạn va chạm với ô tô khi đang điều khiển xe máy lúc 21h ngày 15/11. BN bị đau cổ, hạn chế vận động cổ, được cấp cứu cố định tạm thời cột sống cổ tại BV Đa khoa Đông Anh và chuyển đến BV Xanh Pôn vào lúc 1h sáng. Ngay lập tức BN được chụp CT cột sống cổ.

Kết quả: phù nề nặng phần mềm trước sống, trật khớp chẩm đội, trật đốt sống C1-C2. BN được mổ cấp cứu cố định chẩm cổ. Rất may ca mổ đã thành công. Sau 5 ngày BN tỉnh táo, nói chuyện bình thường, vận động tứ chi tốt và bắt đầu tập phục hồi chức năng.

Thăm khám cho BN sau mổ

Ths.Bs Ngô Quang Hùng, khoa Phẫu thuật thần kinh  BV Xanh Pôn – người trực tiếp phẫu thuật cho BN cho biết, CTCS rất thường gặp, một năm có khoảng 2500 ca do tai nạn giao thông, sinh hoạt…Tuy nhiên, CTCS cổ cao–trật khớp chẩm-đội rất hiếm, bởi đây là tổn thương rất nặng, BN thường tử vong ngay khi tai nạn không kịp đến BV.

Khác hẳn với những khu vực khác của cột sống, khu vực cột sống cổ cao có cấu trúc đặc biệt. Khu vực này được tính từ xương chẩm (mảnh dưới cùng của xương sọ) xuống đến hết đốt sống cổ 2. Thương tổn đầu tiên của vùng cột sống cổ cao là trật khớp chẩm–đội. Hầu hết các trường hợp đều tử vong tại chỗ (95-97%) bởi tổn thương gây ngừng thở.

Đặc biệt, đây là khu vực tập trung rất nhiều các trung tâm quan trọng: hô hấp, thần kinh, mạch máu…Vì vậy, tổn thương thường gây liệt cơ hô hấp, yếu hoặc liệt các cơ do phân đoạn tủy cổ chi phối (cơ hô hấp, chi trên, chi dưới), rối loạn cảm giác, rối loạn cơ tròn, mất phản xạ gân xương giai đoạn choáng tủy…

Kỹ thuật tiên tiến, chuyên môn cao mới mổ được

Ths.Bs Hùng cho biết, CTCS nói chung và cột sống cổ cao nói riêng đưa lại hậu quá rất nặng nề. Người gặp nạn có thể tử vong tức thì hay khi di chuyển sai tư thế trên đường đến BV. Liệt vận động tứ chi, bí tiểu có thể thấy ngay sau khi bị CTCS cổ hoặc xuất hiện sau khi chuyển BN sai tư thế. BN có thể bị suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, loét da, teo cơ và rất nhiều biến chứng khác…

Tuy nhiên, bản thân các dấu hiệu của CTCS cổ cao, đặc biệt là tổn thương trật khớp chẩm–đội rất khó phát hiện trên lâm sàng và dễ bị bỏ sót khi chẩn đoán. Vì vậy, rất cần chuyên môn sâu của bác sĩ thần kinh cột sống và sự hỗ trợ của máy móc hiện đại như máy cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ…

BN H.Q.V may mắn không bị ảnh hưởng hô hấp, chỉ yếu nhẹ tay bên trái. Tuy nhiên, phẫu thuật vùng này rất nguy hiểm, nguy cơ BN chết trên bàn mổ rất dễ xảy ra. Bởi khi phẫu tích quá rộng sang hai bên ở cung sau C1-C2 có thể gây tổn thương động mạch đốt sống, thần kinh dưới chẩm, dây chẩm Arnold….Chỉ tính riêng tổn thương động mạch đốt sống – động mạch cấp máu cho não khiến BN có thể tử vong tức thì.

Vì vậy, ca mổ rất phức tạp đòi hỏi phẫu thuật viên phải chuyên nghiệp và có trình độ chuyên môn cao về thần kinh, cột sống mới mổ được. Hơn nữa, phẫu thuật cũng đòi hỏi trang thiết bị hiện đại không phải cơ sở y tế nào cũng triển khai được.

Tại Hà Nội chỉ có những BV lớn mới thực hiện được. Sau 3,5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cố định thành công chẩm cổ bằng nẹp cổ-chẩm và may mắn BN hồi phục tốt. Hiện tại, BN có thể ngồi dậy tự ăn cơm, và đang tập đi.

ThS.BS Hùng khuyên, người dân chẳng may bị chấn thương cột sống, nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh cột sống để được khám, tư vấn và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, cần lưu ý nguyên tắc hàng đầu của cấp cứu BN là bất động, tránh di lệch đoạn cột sống đã bị tổn thương vì sẽ gây thêm tổn thương, thậm chí gây đứt ngang tủy sống.

Vì vậy, khi cấp cứu, đặt BN nằm ngửa trên cáng hay ván cứng có lót mềm hay nệm mỏng, hai bên đầu chêm hai túi cát. Cột hay dán: vùng trán, vùng ngực… xuống hai bên cáng khiêng hay ván cứng. Không cho ngồi, không vác vai hay kéo lê BN cổ gập, không chở ngồi trên xe gắn máy, xe đạp, xích lô hay taxi… Việc xơ cứu đúng có thể cứu được khoảng 25% BN CTCS cổ khỏi tử vong trên đường đến BV.

                                                                            Thúy Nga

Theo Đời sống
back to top