Trẻ có thể gặp một số phản ứng sau tiêm phòng vaccine như ngứa, sưng đau tại chỗ, hoặc sốt, khó chịu, mệt mỏi,… Để phòng ngừa các phản ứng này ở trẻ, nhiều bà mẹ thường áp dụng các mẹo dân gian như đắp lát khoai tây, lát chanh tươi, hay thậm chí bôi trứng gà,… lên vết tiêm. Chuyên gia cảnh báo những cách làm này có thể dẫn đến nguy cơ viêm da, thậm chí là nhiễm trùng tại chỗ tiêm.
Phản ứng sau tiêm phòng thường nhẹ và tự khỏi.
Phản ứng thông thường
BS Nguyễn Văn Thành, Trung tâm Tiêm chủng và Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Đại học Y Hà Nội, cho biết sau khi tiêm vaccine trẻ có thể gặp một số phản ứng thông thường bao gồm các phản ứng tại chỗ như ngứa, đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn). Đây là một phần của đáp ứng miễn dịch bình thường. Các phản ứng này thông thường nhẹ và tự khỏi.
Tuy nhiên, thưc tế không ít bà mẹ do quá lo lắng khi trẻ đau, quấy khóc nên thường tự xử trí theo các mẹo dân gian truyền miệng như: chườm đá, đắp lá thuốc, đắp lát khoai tây, chanh tươi, trứng gà hay bôi gel giảm đau lên vết tiêm.
Chẳng hạn như trường hợp chị Nguyễn Phương Loan (B3 Nam Trung Yên, Hà Nội) cho con đi tiêm phòng mũi 5 trong 1 về thấy con quấy khóc, cả ngày không chịu ăn, chị được bà bên hàng xóm hướng dẫn cắt lát củ khoai tây chà lên chỗ tiêm cho bé nên chị làm theo.
Chị Loan chia sẻ: “Thấy con cứ èo ẹo quấy, mình cũng sốt ruột, nghe bà bảo thì tin theo thôi vì bà là người cẩn thận, cũng có kinh nghiệm chăm sóc đến mấy đứa cháu nội ngoại đủ cả. Ai ngờ mình làm mấy lần, cứ liên tục chà lát khoai tây lên chỗ tiêm, lát này khô lại cắt lát mới, đến lúc thấy chỗ tiêm càng tấy đỏ hơn, con lại sốt nữa thì sợ quá…”
Trường hợp tự xử trí theo mẹo dân gian như chị Loan không phải hiếm, nhiều khi có thể dẫn đến hậu quả khó lường. BS Nguyễn Văn Thành khuyến cáo: việc chườm đắp như vậy không những không có hiệu quả mà ngược lại có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến tình trạng nhiễm trùng cho trẻ. Trường hợp như con chị Loan khi được đưa đi khám đã phát hiện nhiễm trùng nhẹ, gây sốt.
Theo dõi sau tiêm
Thông thường sau tiêm chủng, trẻ sẽ được theo dõi 30 phút sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng; sau đó về nhà, trẻ phải được theo dõi ít nhất 24 giờ nữa. Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm: tinh thần, tình trạng ăn, ngủ; dấu hiệu về nhịp thở; nhiệt độ, phát ban; các biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…).
Sau khi tiêm về, cha mẹ cần chú ý cho trẻ mặc quần áo thoáng mát; duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn. Khi bế hoặc chơi với trẻ tránh chạm vào vết tiêm. Tuyệt đối không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm. Nếu tại vết tiêm sưng, đau, có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sỹ.
Nếu trẻ sốt dưới 38.5 độ, cha mẹ nên cho trẻ mặc thoáng mát, chườm ấm chủ yếu ở các vị trí trán, nách, bẹn, và cho trẻ bú nhiều hơn. Trường hợp sốt trên 38.5 độ, dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều 10-15mg/kg cho trẻ uống hoặc nhét hậu mô, nhắc lại 4 -6 giờ nếu vẫn sốt trên 38.5. Cha mẹ cần chú ý không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái … các bà mẹ cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế. Những phản ứng sau tiêm phòng ở mức độ nặng thường hiếm gặp và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.
Những phản ứng sau tiêm phòng ở mức nguy hiểm thường hiếm gặp và thường chỉ xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm chủng vì vậy cha mẹ cần lưu lại thêm 30 phút tại điểm tiêm chủng để được theo dõi và xử lý kịp thời nếu trẻ xuất hiện tình trạng: nổi ban, mề đay, sưng môi, phù mắt, khó thở, nôn trớ, thở nhanh hay ngắt quãng, mất tri giác.
Đức Anh