Tiêm hormon ức chế dậy thì sớm ở trẻ gái: Rước hại vào thân

Khi tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em gái gia tăng thì nhu cầu sử dụng hormon ức chế dậy thì sớm cũng gia tăng theo. Tuy nhiên, việc tiêm hormon ức chế dậy thì sớm không phải là chìa khóa vạn năng.

Kỳ vọng của cha mẹ vào hormon ức chế dậy thì sớm

Chị T.T.H.H. (Hà Đông, Hà Nội) có con gái 6 tuổi nhưng tuyến vú của cháu đã có sự phát triển như các bé gái ở tuổi dậy. Lo lắng con dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý, học tập và nhất là không phát triển được chiều cao nên chị H. đã cho cháu tiêm hormon ức chế dậy thì sớm.

Cùng tâm trạng lo con bị “lùn” so với các bạn đồng trang lứa nên chị T.T.D. (Xuân Mai, Hà Nội) cũng cho con gái đang học lớp 2 đi tiêm hormon ức chế dậy thì sớm khi thấy ngực con bắt đầu “phát triển”.

Tiêm hormon ức chế dậy thì sớm cho trẻ cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.

Đúng là dậy thì sớm có ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể vì có thể hormon tăng trưởng sản xuất không kịp, làm trẻ lùn do các đầu xương đã đóng kín sớm. Nhưng những lo lắng của các bậc cha mẹ về tình trạng dậy thì sớm thường chưa đầy đủ vì với trẻ gái có tuyến vú phát triển trước 8 tuổi nhưng nếu tuổi xương vẫn bình thường, tử cung, lông mu không phát triển thì đó không được coi là dậy thì sớm.

Do vậy, việc tự ý mua hormon ức chế dậy thì sớm về tiêm để ức chế sự phát triển là sai lầm. Việc tiêm hormon này phải được sự chỉ định cũng như theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa vì nếu sử dụng không đúng chỉ định sẽ làm cho trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Khi nào nên tiêm hormon này?

Đối với những trẻ gái có dậy thì sớm trung ương (dưới 6 tuổi) thì nên tiêm hormon để ức chế dậy thì. Những trường hợp trẻ gái dậy thì sớm từ 6 đến 8 tuổi, hoặc trên 8 tuổi thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ giải thích cho gia đình bệnh nhân.

Những trường hợp trẻ gái dưới 6 tuổi đã dậy thì, khi tiêm hormon làm kìm hãm dậy thì sớm sẽ có lợi: Giúp ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ như kìm hãm sự phát triển của tuyến vú, lông mu, khả năng có kinh nguyệt… từ đó giúp trẻ tập trung vào việc học, hòa đồng cùng bạn bè, tránh bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, cũng giúp trẻ phát triển chiều cao sau này. Vì nếu không tiêm hormon thì xương bị ảnh hưởng, trực tiếp ở đây là tuổi xương phát triển trước tuổi thực.

Trường hợp trẻ gái 6-8 tuổi, hoặc trên 8 tuổi, điều trị ức chế dậy thì không phải là nhất thiết. Nếu điều trị thì chỉ có thể giúp giải quyết được những vấn đề ngắn hạn như kìm hãm sự phát triển đặc tính sinh dục phụ, làm chậm thời gian phát triển tuyến vú, lông mu, còn về mặt cải thiện chiều cao thì không còn nhiều, thậm chí không có.

Đối với những trẻ gái này, các bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên từng trường hợp cụ thể để tư vấn cho gia đình những những lợi hại khi tiêm hormon.

Hormon có hại không?

Hiện nay, đối với dậy thì sớm trung ương, phương pháp điều trị chuẩn là sử dụng các loại thuốc có tên GnRH analog. Chúng có tác dụng ngăn chặn các hormon kích thích dậy thì do tuyến yên tiết ra. Hầu hết trẻ em cần điều trị đều được cho dùng thuốc này dưới dạng tiêm.

Ngoài ra, có thuốc dạng cấy ghép là những ống rất nhỏ, dài khoảng 2,5cm được đặt dưới da, thường là ở bắp tay và dần dần đưa thuốc vào cơ thể. Thuốc dạng xịt qua đường mũi được dùng hàng ngày. Các thuốc tương tự GnRH có tác dụng rất tốt.

Trong tháng điều trị đầu tiên, các dấu hiệu dậy thì có thể trở nên rõ ràng hơn, nhưng sau đó, chúng sẽ biến mất. Ở trẻ gái, ngực sẽ thu nhỏ lại sau 6-12 tháng điều trị. Trong một số trường hợp, các dấu hiệu dậy thì gần như biến mất.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tiêm hormon cho trẻ chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định, thứ nhất là sự thay đổi nội tiết có thể dẫn đến tình trạng đau đầu, bốc hỏa… thứ hai là trẻ phải chịu đau do tiêm, nhiễm khuẩn tại vị trí tiêm, tiếp đến là sẽ lão hóa sớm về sau, chưa kể vấn đề kinh phí điều trị.

Bên cạnh đó, việc dùng hormon ức chế dậy thì nếu không đúng chỉ định sẽ làm cho trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ. Do đó, cha mẹ không được tự ý tiêm hormon này cho trẻ mà cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ cân nhắc có nên dùng thuốc hay không.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng

(theo SKĐS)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top