Hỏi: Con tôi học lớp 13 tuổi, cháu bắt đầu có kinh nguyệt. Mọi người nói như vậy là cháu đã dậy thì và phát triển rất nhanh nhưng tôi thấy cháu không cao được là bao, vẫn 1,5m, vậy tôi phải làm sao?
TVH (Hà Nội)
TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Phục hồi dinh dưỡng và Kiểm soát béo phì cho biết, lứa tuổi dậy thì (quy định là từ 12-18 tuổi) đặc trưng bởi sự tăng trưởng vượt bậc về cả cơ bắp, khung xương cũng như các chức năng sinh dục. Tốc độ tăng trưởng nhanh cả về chiều cao, cân nặng và trẻ sẽ đạt đỉnh của tốc độ tăng chiều cao khi mà trẻ có thể tăng khoảng 10-15cm/năm và mức tăng sẽ giảm dần sau đó.
Ở giai đoạn 10 tuổi, cứ mỗi năm bé gái tăng 10cm chiều cao và tăng dần đến khi đạt được 15 cm một năm ở độ tuổi 12. Đỉnh tốc độ tăng trưởng của trẻ nam là 12 tuổi (10cm/ năm) và đạt tối đa đến 14 tuổi (15cm/năm).
Tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần trong khoảng 15 tuổi ở nữ giới và khoảng 17 tuổi ở nam giới. Thời gian phát triển chiều cao mạnh nhất ở nữ giới là từ 8-17 tuổi, quyết định đến 23% chiều cao trung bình ở người trưởng thành.
Kích thước xương, khối lượng xương và mật độ chất khoáng ở mỗi xương tăng lên khoảng 4% mỗi năm tính từ giai đoạn trẻ 8 tuổi cho đến qua giai đoạn vị thành niên.
Muốn cao phát triển tối đa, cha mẹ cần lưu ý các chất dinh dưỡng chính để tăng trưởng và phát triển gồm protein, sắt, canxi, vitamin A, vitamin D, iốt và kẽm. Ăn đa dạng là biện pháp tốt nhất kết hợp tập thể dục thể thao. Nếu có điều kiện cha mẹ nên đưa con đến khám tư vấn dinh dưỡng, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn phù hợp nhất.
PV (ghi)