PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Khó nhất là dạy theo cách mới, nhưng thi theo lối cũ

(khoahocdoisong.vn) - Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khâu đột phá trong đổi mới giáo dục phải là đổi mới kiểm tra, đánh giá. Khó nhất là dạy theo cách mới nhưng thi vẫn theo lối cũ.

Chuyển từ truyền đạt sang chủ động lĩnh hội tri thức

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021. Là một thành viên tham gia biên soạn sách giáo khoa và có tham vấn góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông, xin ông cho biết, điểm cốt lõi trong đổi mới giáo dục lần này là gì?

Điểm cốt lõi trong đổi mới giáo dục lần này là xây dựng chương trình giáo dục hướng tới phát triển năng lực người học, do đó quan điểm dạy học thay đổi từ việc truyền đạt tri thức của người thầy, sang việc tổ chức hoạt động để người học chủ động tiếp nhận tri thức và hình thành năng lực.

Có thể hiểu, trước đây mục tiêu cơ bản của dạy học là lĩnh hội được tri thức thì hiện nay, người học có tri thức thì phải vận dụng tri thức đó để giải quyết được nhiệm vụ học tập và nhiệm vụ thực tiễn. Từ đó hình thành năng lực chung và năng lực chuyên biệt.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Có nghĩa là học không đơn giản chỉ là để đạt được điểm cao?

Đúng thế! Điểm số là một thang đo trong trường học. Sự thích nghi của mỗi cá nhân với các điều kiện sống và thành công trong thực tế sẽ là thang đo có giá trị hơn.

Trước đây, học giỏi bộ môn ngữ văn chủ yếu là viết văn cảm thụ, phân tích để đạt điểm cao thì bây giờ giỏi ngữ văn là phải có khả năng sử dụng được ngôn ngữ, trong đời sống, biết cách biểu đạt, dùng ngôn ngữ trong các công việc; đồng thời người học phải có khả năng đọc hiểu các dạng văn bản khác nhau. 

Ví dụ khi anh có dự án khởi nghiệp, muốn thuyết phục người khác, thì phải sử dụng ngôn ngữ của mình để thuyết phục được người khác, phải trình bày được ý tưởng của mình.

Những nội dung này sẽ được tích hợp vào các môn học như thế nào?

Hiện nay, việc lập kế hoạch dạy học (giáo án) đều có đề mục LIÊN HỆ - VẬN DỤNG, đặt ra các nhiệm vụ thực tiễn, thực hành – thí nghiệm với các môn tự nhiên, các môn khoa học xã hội cũng có các hoạt động trải nghiệm, các vấn đề liên hệ thực tiễn.

Ví dụ, khi học bài về tác phẩm Cô bé bán diêm, học sinh sẽ trình bày không chỉ là số phận hoàn cảnh cái chết của cô bé bán diêm mà còn phải bàn về mối quan hệ cá nhân và cộng đồng, liên hệ về quyền trẻ em, sự chăm sóc của xã hội đối với trẻ em ngày hôm nay.

Tiết học về tác phẩm Cô bé bán diêm theo phương pháp Phát triển Năng lực của Trường Phổ thông Liên cấp Tây Hà Nội (WHS).

Tiết học về tác phẩm Cô bé bán diêm theo phương pháp Phát triển Năng lực của Trường Phổ thông Liên cấp Tây Hà Nội (WHS).

Học sinh sẽ hứng thú vì việc học gần gũi với thực tiễn

Quan điểm dạy học mới có ưu điểm gì, thưa ông?
Quan điểm dạy học phát triển năng lực có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, đó là tạo hứng thú cho học sinh. Trẻ em nếu chỉ ngồi tiếp nhận tri thức thì sẽ rất dễ bị chán. Nhưng khi người thầy biết tổ chức, các hoạt động để trẻ được tư duy, làm việc, vận động… thì sẽ hào hứng, thích học.

Thứ hai, dạy học phát triển năng lực cũng hướng tới việc phân hoá, sự phù hợp với đặc điểm riêng của cá nhân người học, khuyến khích phát triển năng lực của từng đứa trẻ.

Thứ ba, khi sử dụng được kiến thức trong đời sống học sinh sẽ thấy môn học có ý nghĩa thực tiễn, khác với việc trước đây kiến thức mang tính hàn lâm, khó áp dụng. Điều này tạo nên sự thay đổi rất tích cực về nhận thức của học sinh và xã hội sẽ được thụ hưởng lợi ích từ đó.  

Học sinh hào hứng tham gia thảo luận nhóm.

Học sinh hào hứng tham gia thảo luận nhóm.

Đã có rất nhiều học sinh yêu môn văn, yêu một tác phẩm nào đó, cảm nhận được vẻ đẹp của văn chương, ngôn ngữ, vì nghe người thầy giảng hay, truyền cảm hứng. Dạy theo cách tổ chức hoạt động có làm mất đi điều đó?

Tôi cho rằng, học theo tinh thần đổi mới không làm mất đi vẻ đẹp văn học hay ngôn ngữ. Bởi điểm cốt lõi là thay đổi cách tiếp cận với văn bản, chuyển nhiệm vụ học cho người học, để học sinh được đọc, được khám phá văn bản, diễn giải văn bản theo cách hiểu của các em.

Từ đó, học sinh có năng lực đọc và học sinh sẽ mở rộng việc đọc của mình, đến với các văn bản, các thể loại khác đang phát triển rất đa dạng ở thực tế.

Như vậy là nó sẽ phù hợp với năng lực của tất cả học sinh?
Trong dạy học phát triển năng lực, một trong những cách tổ chức là dạy học phân hoá. Cách làm này sẽ đáp ứng mức độ tiếp nhận, tri thức nền của các học sinh khác nhau. Và như vậy, mục tiêu cần đạt ở mỗi người học, mỗi lớp học sẽ khác nhau.

Kiểm tra đánh giá phải đi đầu trong đổi mới

Khó khăn lớn nhất trong đổi mới giáo dục, cho tới thời điểm này, theo ông là gì?

Học theo phương pháp mới, trẻ sẽ chủ động, tích cực, có hứng thú, người giáo viên tăng cường tính tự chủ, sáng tạo.

Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là việc dạy học đã tiến triển rất tốt thì lối thi cử lại thay đổi chậm hơn, thậm chí là không đáp ứng được việc đổi mới. Cho nên, nếu muốn đổi mới giáo dục, vấn đề tiên phong là phải đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Cụ thể đổi mới như thế nào, thưa ông?

Trong kiểm tra đánh giá có đánh giá định kì và đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình nhưng hiện nay kết quả dùng để xét tuyển các cấp chỉ là định kì (và có khi là một kì thi duy nhất).

Thứ hai, đề thi ở một số môn vẫn kiểm tra rất nhiều về kiến thức, nhất là các kì thi quan trọng như THPT Quốc gia, Thi học sinh giỏi quốc gia, thành phố. Nhìn chung, thi cử vẫn nhiều khuôn khổ, hình thức.

Điều đó sẽ gây hậu quả thế nào, thưa ông?

Người học đôi khi sẽ cảm thấy không thoả mãn vì hằng ngày, trẻ học học chủ động tích cực, học trải nghiệm thì đến lúc đi thi lại chỉ hỏi kiến thức.

Ở góc độ giáo viên, một số thầy cô sẽ ngại thay đổi, nhà trường đổi mới không triệt để vì ở các lớp dưới thì học sáng tạo nhưng cuối cấp lại gò vào việc thi cử. Tâm lí xã hội cũng coi trọng thành tích, giấy khen cho nên lối thi cử truyền thống vẫn cứ tồn tại lâu dài.

"Trước tiên phải ưu tiên đổi mới kiểm tra đánh giá, trao quyền tự chủ về dạy học, chương trình cho giáo viên.

Đề thi phải tăng cường tính liên hệ thực tiễn, vận dụng. Tăng cường hướng đề giải quyết các vấn đề của đời sống, xã hội, giảm nhẹ những kiến thức mang tính chất kinh điển về văn học nói riêng cũng như các môn khoa học nói chung.

Ví dụ, với môn Lịch sử cũng phải hạn chế kiểm tra, ghi nhớ, học thuộc, lựa chọn từ ngữ chính xác cho một sự kiện này, sự kiện kia. Thay vào đó, chỉ cần học sinh nhận thức được bài học, phán đoán, phân tích, đánh giá được sự kiện. Cho nên, kiểm tra đánh giá phải đi đầu trong đổi mới", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top