20 năm rồi, phải đổi mới thôi!
Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) đã và đang tiếp tục nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Là một giảng viên của trường sư phạm, cũng từng giảng dạy ở phổ thông, ông đánh giá như thế nào về lần đổi mới này?
Theo tôi việc đổi mới là rất tích cực và cần thiết. Thứ nhất do bộ SGK và chương trình hiện tại thực hiện đã gần 20 năm rồi, đã đủ vòng đời và đến lúc phải đổi mới. Thứ hai, trong bối cảnh phát triển rất mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ, và sự thay đổi của các điều kiện kinh tế xã hội, việc đổi mới thể hiện sự bắt nhịp của chúng ta với thực tế và xu hướng giáo dục thế giới.
Ví dụ việc đưa ra các khái niệm như phát triển năng lực người học, giáo dục gắn với hướng nghiệp, định hướng phát triển tư duy… các nền giáo dục tiên tiến đã triển khai nhiều năm rồi. Trong khi cả trí thức và người lao động Việt Nam khi hội nhập với bạn bè quốc tế bộc lộ nhiều hạn chế về kĩ năng và sự thích ứng.
Có nhiều ý kiến cho rằng, vì sao ta không mua chương trình chuẩn của một nước có nền giáo dục tiên tiến, như Hàn Quốc đã từng mua của Nhật Bản và trở thành một đất nước phát triển như hiện nay, thay vì phải lập hội đồng, tốn kém nhiều tiền của lẫn nhân lực mà kết quả chưa chắc đã đảm bảo?
Việc mua chương trình nước ngoài không hề đơn giản và cũng không hề rẻ. Ta cũng phải đạt được một mức trình độ nhất định về hạ tầng cơ sở, trình độ quản lí, năng lực giáo viên, hệ thống kiểm tra đánh giá… thì họ mới đồng ý chuyển giao công nghệ. Chứ không vận hành được, làm sai lệch nội dung chương trình, dẫn đến không đạt kết quả thì nước ngoài họ sẽ không chấp nhận.
Bởi chương trình giáo dục không giống một sản phẩm công nghệ có thể phổ cập, mà liên quan tới đặc điểm văn hóa, lịch sử, hệ tư tưởng của cả dân tộc. Đặc biệt, với bộ môn khoa học xã hội gắn với lịch sử, đặc trưng vùng miền đất nước thì không thể đi “mua” từ nước ngoài được, vẫn phải tự biên soạn. Tôi cho rằng việc chúng ta huy động các nhà khoa học, giáo dục, quản lý… cùng tham gia, tạo ra một sản phẩm từ trí tuệ tập thể thì có thể hy vọng về sự đột phá cho giáo dục.
Nhưng để tạo ra sự đột phá đâu phải chỉ ở một chương trình hay bộ SGK. Điều quan trọng là ở người vận hành như ông nói. Với một đội ngũ giáo viên đã được đào tạo theo chương trình cũ, quen giảng dạy theo phương pháp “cũ”, liệu việc thay đổi đột ngột có gây “sốc” và khó mang lại được hiệu quả như kỳ vọng hay không?
Thực ra, điều tôi cảm thấy lo lắng nhất cũng là vấn đề con người. Theo tôi cần có lộ trình, cần đặt công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên lên hàng đầu, đi song song, thậm chí đi trước thay đổi SGK. Tôi cho rằng cần đầu tư cho con người hơn là cho SGK.
Muốn lương cao phải chấp nhận cạnh tranh
Dự kiến tháng 9 năm nay công bố chương trình giáo dục phổ thông và theo đó SGK mới đầu cấp 1 sẽ được áp dụng từ năm học 2018 – 2019. Công tác đào tạo giáo viên đã được chuẩn bị và thực hiện như thế nào hay vẫn mới chỉ là “kiến nghị”?
Tập huấn nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Cái bất cập nhất là việc tập huấn phải qua nhiều khâu như qua lãnh đạo chủ chốt, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với chuyên gia, sự truyền đạt lại khó đảm bảo chính xác, cặn kẽ.
Đội ngũ chuyên gia am hiểu phổ thông, từng làm phổ thông không đủ nhiều để phủ khắp các cơ sở đào tạo. Tôi mong muốn các nhà trường sư phạm cần chuẩn bị tốt nhất các giáo viên giỏi cho việc tập huấn, cần chuẩn hóa các bộ tài liệu, hướng dẫn chi tiết cho giáo viên phổ thông thực hiện, triển khai chương trình, SGK mới.
Như vậy nỗi lo lắng, hoang mang của giáo viên là hoàn toàn có cơ sở? Bản thân tôi cũng suy nghĩ, ví dụ với giáo viên văn, trước một tác phẩm mới hoàn toàn, không có trong chương trình đã được đào tạo. Lại thêm cách dạy mới, phương pháp mới, liệu họ có thích ứng được? Chưa kể là các môn học mới?
Tôi không phủ nhận giáo viên có những khó khăn nhất định. Nhưng tôi cho rằng mỗi người cũng cần chủ động, phải đọc sách, tìm tòi, nghiên cứu, bổ sung, nâng cao tri thức cũng như nghiệp vụ chuyên môn của mình. Chỉ ngồi lo lắng, ngại đổi mới thì không làm được.
Có ý kiến cho rằng, kinh phí dành cho đề án đổi mới này nên dành để nâng lương cho giáo viên. Khi đời sống giáo viên được đảm bảo thì chất lượng dạy học sẽ tốt hơn là việc thay chương trình, thay sách. Chứ đời sống khó khăn lại yêu cầu họ đầu tư nhiều cho nghề nghiệp thì khó thực hiện. Ông nghĩ sao?
Nếu quỹ lương không đổi, muốn lương cao phải tinh giảm biên chế. Các bạn giáo viên muốn có lương cao thì phải sẵn sàng cho một cuộc chọn lọc. Một mặt Chính phủ cố gắng thay đổi chính sách nhưng giáo viên cũng xác định phải chấp nhận cạnh tranh lành mạnh. Chứ bản thân muốn lương cao nhưng không muốn thay đổi, phấn đấu thì vô lý.
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa được thực hiện trong 3 giai đoạn từ năm 2015 đến 2023. Cụ thể, từ năm học 2018 – 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT. Tổng kinh phí thực hiện dự án đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD.
Thử nghiệm cần có niềm tin!
So với chương trình, bộ SGK hiện hành thì chương trình, SGK mới có ưu điểm gì?
SGK mới sẽ phát huy tính chủ động, tự chủ của người giáo viên, tạo ra tinh thần dân chủ trong giáo dục. Giáo viên ngoài việc theo bài học, trình tự SGK, có thêm sự lựa chọn ngữ liệu, các bài học, các thao tác. Nó giúp tạo ra những phẩm chất, năng lực, khát vọng ở người học, giáo dục gắn với hướng nghiệp, định hướng. Hết lớp 9 ngoài các môn học bắt buộc thì các em có thể chủ động lựa chọn môn học theo khả năng, nhu cầu của mình.
Ông cũng là bố của hai đứa con, ông có ngại con mình có thể là một “thế hệ chuột bạch” không?
Tôi cho rằng mọi người đã lo lắng thái quá. Thử nghiệm có thể thành công ở mức độ khác nhau, nếu không đạt được mục tiêu mong muốn thì ta điều chỉnh dần dần. Đặc biệt, bất kỳ một chương trình, bộ sách nào thì điểm tốt cũng là cơ bản, ngay cả khi mục tiêu không đạt được thì nó cũng không dạy trẻ thành trẻ hư, không làm tổn hại đến trí tuệ của trẻ.
Thử nghiệm cần có niềm tin! Nếu ai cũng mang tâm lý “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau” thì ai sẽ là người đi trước? Làm sao có cái tốt cho thế hệ sau? Thay vào đó sao ta không tự hào được là thế hệ thử nghiệm đầu tiên, cứ nghĩ “vui làm sao là người lính đi đầu”?
Có khi nào mục tiêu của người làm chương trình lại không đến được với học sinh không? Một đội ngũ các chuyên gia giỏi nhưng không trực tiếp đứng lớp có thể sẽ khiến chương trình trở nên xa lạ, kinh viện?
Có một ví dụ là khi giảng bài Ôn dịch thuốc lá (lớp 9), người làm chương trình muốn rèn kỹ năng thuyết minh, nghị luận cho học sinh, nhưng giáo viên lại hỏi học sinh về tác hại của thuốc lá. Điều này xuất phát từ thực tế giáo viên rất ít được tiếp xúc trực tiếp với đội ngũ những người làm sách. Tôi cho rằng đây cũng là một hạn chế cần khắc phục, và việc tham gia biên soạn sách giáo khoa cần có đội ngũ các thầy cô giáo đang trực tiếp đứng lớp, giảng dạy.
Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ!
Mai Loan (thực hiện)