TS Nguyễn Tùng Lâm
Sửng sốt, khó hiểu
Những điểm số cao bất thường trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang vừa được làm rõ là do có tiêu cực. Kết quả rà soát, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Ông nghĩ sao về câu chuyện đang khiến dư luận bàn tán xôn xao này?
Tôi đi từ ngạc nhiên đến đau xót, sửng sốt, khó hiểu. Sai sót đó lại do chính những người làm công tác tổ chức thi, là những người làm trong ngành giáo dục gây ra. Từ trước đến giờ, trong ngành giáo dục chưa có bê bôi nào lớn như vậy. Trước đây, tiêu cực trong thi cử cùng lắm là coi thi dễ hơn, cho học sinh nhìn bài nhau, hoặc nhắc đáp án. Trong chấm thi thì có thể nâng lên 1-2 điểm. Còn đây, 1 điểm mà đẩy lên thành 9,75 điểm thì đúng là không còn gì để nói. Quá khó hiểu.
Người chấm thi có thể đổi trắng thay đen, vì sao họ có thể làm được thế?
Mà lại là những bài thi trắc nghiệm chấm bằng máy. Tưởng chừng như con người không thể can thiệp. Tưởng chừng như chính xác đến từng câu chữ. Ấy thế mà… Tôi cho rằng đó là những người hiểu biết pháp luật, hiểu rõ quy chế thi. Nhưng vì lợi ích mà họ bất chấp hết. Làm giáo dục nhưng coi thường đạo đức, coi thường chân giá trị.
Dư luận hết sức bàng hoàng. Bản thân tôi cũng cảm thấy cười ra nước mắt, chua xót. Bởi tiêu cực ấy nó bất chấp quá?
Thực ra tiêu cực 1-2 điểm hay nửa điểm thì cũng là tiêu cực. Không nên so sánh vì đó đều là hành vi gian dối. Khi người ta đã bất chấp pháp luật, danh dự để làm thì chắc hẳn người ta cũng phải xác định sẽ phải trả giá như thế nào nếu sự việc bại lộ. Điều đáng buồn là nó làm dư luận nghĩ xấu về ngành giáo dục. Rằng đến như chấm thi bằng máy là chính xác như thế mà còn như thế, thì thử hỏi chấm bằng tay sẽ như thế nào?
Hậu quả đúng là rất lớn?
Ngoài việc tạo ra sự bất công với các thí sinh khác thì theo tôi, cái nghiêm trọn ghơn là làm cho người ta mất niềm tin vào ngành giáo dục.
Ở góc nhìn của ông thì sao, ông có mất niềm tin?
Tôi ở trong ngành, nên tôi hiểu sự việc theo góc nhìn khác. Tôi cho rằng việc Bộ GD&ĐT, tỉnh Hà Giang dám làm quyết liệt, nhìn thẳng vào sự thật để công bố cho dư luận như vậy là rất đáng hoan nghênh. Họ đã tích cực tìm ra sự thật, nếu vì thành tích thì người ta sẽ che giấu, sẽ chỉ xử lý nội bộ, hoặc giấu nhẹm đi không để ai biết. Nhưng họ đã thẳng thắn nhìn vào sự thật là điều đáng mừng.
1 người không thể làm được
Qua xác minh ban đầu cho thấy Ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Nếu đây là lợi ích nhóm như ông nói, thì hẳn sẽ là lợi ích rất lớn?
Theo quan điểm của cá nhân tôi thì 1 người không làm được hết những việc này.
Vì sao thế?
Một số tờ báo nói là có sự can thiệp ở khâu chuyển dữ liệu từ file ảnh sang file text. Khi làm việc này phải có sự giám sát của các bên. Cho nên tôi nghĩ là vẫn phải có sự đồng thuận. Còn nếu không có giám sát thì rõ ràng khâu chấm thi trắc nghiệm có vấn đề. Nếu có gian lận thì phải có sự thông đồng, thỏa thuận. Một cá nhân khó có thể hành động được, vì có nhiều khâu liên quan đến nhau.
Việc tác động đến phổ điểm của một số lượng lớn thí sinh như thế, phải chăng là cần đến cả một “đường dây” có tổ chức?
Nếu không có sự cấu kết của nhiều người thì những người tham gia đã dễ dãi với nhau, mà cụ thể là rút gọn quy trình trong việc thực thi công việc. Dù ở góc độ nào cũng là những sai phạm không thể bỏ qua. Nói chung, quy trình chấm thi khi được xây dựng lên đã đặt ra vấn đề ở từng khâu, từng người, có bộ phận giám sát. Chắc chắn một người không thể làm được.
Vậy thì tới đây cơ quan chức năng sẽ phải làm gì?
Thực hiện đúng pháp luật, ai sai đến đâu thì xử lý đến đấy thôi. Phải làm rõ có những ai liên quan vào việc này, ai chỉ đạo làm, các khâu chấm thi được tổ chức như thế nào, có đúng quy định hay không. Những ai phải chịu trách nhiệm vệ những tiêu cực này ở Hà Giang? Tôi tin, ngành giáo dục đã dám nhìn thẳng vào sự thật để công bố thì họ sẽ làm đến cùng nếu có những người liên quan.
Làm tốt, xử lý triệt để, dư luận sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn về ngành giáo dục?
Đúng thế. Phải xử lý làm sao để những kỳ thi sau người ta không thể và không dám làm. Nghĩa là quy trình phải chặt chẽ để họ không thể sai phạm. Và xử lý phải nghiêm để người khác không dám sai phạm, dù có cơ hội để sai.
Còn bao nhiêu Hà Giang nữa?
Có người đặt câu hỏi liệu có các địa phương khác cũng xảy ra tiêu cực giống như Hà Giang? Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ là không loại trừ điều này. Tới đây có thể rà soát, nơi nào có điểm thi cao bất thường thì có thể thanh tra lại.
Phải chăng càng ở các tỉnh xa xôi thì càng dễ xảy ra tiêu cực?
Không thể nói như thế. Tiêu cực có thể xảy ra ở bất cứ đâu vì nó do con người. Ở đâu có những người bất chấp đạo lý, pháp luât, nhân cách, coi thường chân giá trị, thì ở đó có khả năng xảy ra tiêu cực.
Phải chăng thi trắc nghiệm thì dễ tiêu cực hơn thi tự luận?
Thực ra cũng không phải thế. Nếu người ta làm đúng thì không hình thức nào là dễ tiêu cực cả. Thi trắc nghiệm là do máy chấm, con người không thể can thiệp được. Nghĩa là sẽ rất khách quan. Người ta tưởng rằng như thế là có thể tin tưởng được đến 100% về kết quả thi. Ấy thế mà người ta lại vẫn can thiệp được, dù là chấm bằng máy. Gian dối hay trung thực là do con người. Cái máy không biết gian dối. Đáng tiếc là qua câu chuyện này, người ta đặt ra câu hỏi, đến thi bằng máy còn tiêu cực như thế thì…
Như ông nói, tất cả do con người?
Đúng thế. Do đó tôi cho rằng tới đây người ta sẽ phải làm đúng người đúng tội để dư luận thấy vấn đề đã được giải quyết triệt để, lấy lại niềm tin của người dân vào ngành giáo dục.
Trân trọng cảm ơn ông!
Liên quan đến vụ dư luận nghi ngờ kết quả thi THPT quốc gia 2018 cao bất thường tại Hà Giang, tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang, Tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã tiến hành chỉ đạo, giám sát việc rà soát toàn bộ các khâu của Kỳ thi. Với các bài thi trắc nghiệm: Qua xác minh cho thấy có dấu hiệu nâng kết quả điểm thi của thí sinh. Có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm); Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm); Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm); Có 08 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm); Có 09 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm); Có 03 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm); Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Tô Hội (thực hiện)