Ông Đoàn Ngọc Hải nghỉ là điều đáng tiếc!

Nói về việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, TP HCM, vừa nộp đơn xin từ chức để thực hiện lời hứa “không dẹp được vỉa hè sẽ cởi áo về vườn”, TS Ngô Thành Can, Khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ sự tiếc nuối. Ông cho rằng, nếu một người đã cố gắng hết sức mình phục vụ nhân dân, thì nên tiếp tục. Cố gắng tiếp tục rồi mọi thứ sẽ đi vào quy chuẩn. Nghỉ trong lúc mọi việc còn dang dở là điều rất đáng tiếc.

TS Ngô Thành Can cho rằng, ông Đoàn Ngọc Hải nghỉ trong lúc mọi việc còn dang dở là điều rất đáng tiếc.

Người dân ủng hộ ông Hải

Ngày 8/1, tại cuộc họp kiểm điểm thường trực UBND quận 1, TP HCM, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận, đã bất ngờ nộp đơn xin từ chức để thực hiện lời hứa “không dẹp được vỉa hè sẽ cởi áo về vườn”. Vậy là sự quyết liệt, không nể nang, né tránh, không xin xỏ, ưu tiên của ông Hải trong xử lý sai phạm sử dụng vỉa hè đã không thành công. Việc ông Hải xin từ chức, phải chăng là sự thất bại trong quản lý vỉa hè nói riêng?

Ông Đoàn Ngọc Hải trở thành “người nổi tiếng” khi mạnh tay dẹp sai phạm vỉa hè, dù biết việc này có thể “động chạm” đến rất nhiều người, động đến lợi ích của không ít người. Bản thân công việc ấy đòi hỏi trọng trách cao, va chạm nhiều, nên chỉ có thể làm tốt nhiệm vụ chứ khó có thể làm hoàn hảo.

Một mình ông Hải không dẹp được nếu phía sau đó không có sự giúp sức của các cấp, các ngành khác. Vấn đề tồn tại mấy chục năm, bảo giải quyết ngay bởi một cá nhân là rất khó.

Việc ông Hải xin từ chức, có phải là thông tin gây “sốc” với cá nhân ông?

Trước giờ chúng ta có thói quen khi một người đương nhiệm từ chức thì luôn có những ý kiến khác nhau. Một người có trách nhiệm, đưa ra lời hứa mà chưa làm được thì họ xin rút để người khác làm việc tốt hơn.

Trong xử lý các vụ việc, va chạm trực tiếp với người dân, với cả những người có trọng trách cao, ông Hải hẳn cũng gặp phải những “lực cản” để thấy rằng có những thứ không phải cứ mong ước là làm được.

Rõ ràng nó cho thấy kỷ cương pháp luật bị xem nhẹ, ngay cả đến người thi hành pháp luật cũng đầu hàng?

Phải nói rằng người dân không chỉ ở TP HCM rất ủng hộ việc làm của ông Hải. Đến nỗi mà không ít địa phương đã học theo thành phong trào dọn dẹp sạch vỉa hè, trả lại cho người đi bộ.

Ban đầu nó tạo ra hiệu ứng khá tích cực, thay đổi bộ mặt đô thị, nhưng sau đó có lẽ do nó là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến lợi ích nhóm thao túng như ông Hải nói, nên khó giải quyết.

Đúng là như trong đơn xin từ chức ông Hải có viết “việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn hàng ngàn tỉ của các chủ bãi xe ô tô, gắn máy, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các hộ kinh doanh mặt tiền… và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó”. Bản thân ông ấy còn bị đe dọa cả tính mạng. Dường như, đứng về phía cái đúng, cái nghiêm minh, lại trở thành cô độc?

Để việc lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực này cần có sự vào cuộc, đồng lòng của tất cả các cấp, của cả hệ thống chính trị. Một cá nhân không làm được.

Khi đưa ra lời hứa dẹp vỉa hè, có thể ông ấy muốn thể hiện sự quyết tâm, bằng sự chân thành, lấy đó làm động lực để hướng tới. Hứa và thực hiện đúng lời hứa là điều rất đáng hoan nghênh và ít người làm được.

Từ chức là biểu hiện của nền công vụ văn minh

Việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải làm tôi nhớ đến đề xuất của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc rằng cần phải hình thành văn hóa từ chức (2016) và gần đây nhất (2017) ông có đề xuất xây dựng hành lang pháp lý để cán bộ, công chức Nhà nước “lui về” trong danh dự. Ông nghĩ sao về điều này?

Văn hóa từ chức có thể nói chính là biểu hiện của một nền công vụ văn minh. Từ chức là việc bình thường ở nhiều nền công vụ. Từ chức để guồng máy hoạt động tốt hơn.

Nó vừa là con đường lui cho những cán bộ, công chức có năng lực yếu kém hay sức khỏe không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ vừa là cách thức gìn giữ lòng tự tôn của người cán bộ và danh dự trước nhân dân.

Điều tôi thấy băn khoăn là việc ông Hải không thành công trong dẹp sai phạm lấn chiếm vỉa hè rất đúng đắn, nhưng lại dường như là ông ấy “cô độc”?

Trong thực tế, có những mối quan hệ đan xen, có những quy trình mà người ta can thiệp vào được. Đó là cái khó để ông Hải làm mọi thứ như ông ấy muốn. Không chỉ ở vị trí đó, mà kể cả ở những vị trí cao hơn cũng không dễ thực hiện.

Theo ông thì việc xin từ chức của ông Hải có nên khuyến khích?

Cá nhân tôi cho rằng, nếu mình đã rất cố gắng nỗ lực phục vụ nhân dân, thì tiếp tục đem sức mình ra để phục vụ hay hơn là xin nghỉ. Sẽ có lúc mọi thứ sẽ đi vào quy chuẩn, nếu mình tiếp tục cố gắng. Còn nếu việc mình làm còn dang dở mà đã nghỉ thì là điều luyến tiếc.

Những người như anh Hải được nhân dân quý trọng, ủng hộ. Đó là thế mạnh nhất để anh ấy nên tiếp tục làm việc.

Nhưng lời hứa không thực hiện được mà tiếp tục làm thì cũng khó nói?

Thực ra đó mới chỉ là quyết tâm chính trị thôi, còn làm được hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính ông Hải có nói.

Việc từ chức khi đang ở vị trí lãnh đạo của ông Hải, có thể hiểu nó là dấu hiệu bắt đầu cho văn hóa từ chức ở nước ta?

Việc một cán bộ dám chịu trách nhiệm, thì dù không phải là việc họ làm trực tiếp, mà là do cấp dưới của họ làm không tốt, họ cũng xin từ chức.

Ở nhiều nước, tàu đắm, phà chìm, bộ trưởng bộ giao thông từ chức. Đó là trách nhiệm của họ với dân, chúng ta mà làm được thì tốt quá. Nhưng làm được không dễ.

Mong muốn khác với thực tế

Ông nghĩ sao về văn hóa từ chức ở Việt Nam? Dường như chưa có ai từ chức thì phải?

Nó còn liên quan đến thể chế nữa. Ở nhiều nền công vụ, khi giữ trọng trách này, tôi được lựa chọn cán bộ này để làm việc. Khi các cán bộ đó làm không tốt, tôi sẽ phải từ chức. Nhưng có những nền công vụ giống như ở ta, cán bộ là do được bầu lên.

Việc cán bộ giữ một chức vụ nào đó không phải là ý chí của cá nhân ai đó mà đó là do tập thể. Nên trách nhiệm khi xảy ra vụ việc, cũng thường có vai trò của tập thể nữa.

Ở góc độ nào đó, ông Hải không phải là người không làm được việc. Vậy thì chúng ta sẽ phải xây dựng cơ chế thế nào để chỉ những người không có năng lực mới phải từ chức?

Trong quản lý nhân sự có hai thứ là mong muốn và thực tế. Chúng ta mong muốn có người đáp ứng được tiêu chí này, tiêu chuẩn kia như năng động, có thái độ chính trị tốt, thông minh, nhạy bén, đạo đức tốt…vào các vị trí. Nhưng thực tế nó lại là vấn đề khác. Chúng ta vẫn hay nói một số cán bộ năng lực kém, hay cán bộ thuộc diện “con cháu các cụ” thì là thực tế đấy.

Xem ra vấn đề vẫn còn nan giải lắm?

Nên tôi cho rằng chúng ta cần có một cơ chế tiến cử, bổ nhiệm những vị trí lãnh đạo theo vị trí việc làm. Xem năng lực của họ có phù hợp vị trí ấy không. Nên tách bạch các vị trí nào do bầu lên, vị trí nào là do bổ nhiệm, và chỉ có một cơ quan làm việc này. Dần dần mới chuẩn hóa được.

Xin cảm ơn ông!

Quyết tâm lập lại trật tự đô thị, thực hiện ước mơ biến quận 1 thành một “Singapore thu nhỏ”, ông Hải từng tuyên bố “không ngại đụng chạm” và “sẽ cởi áo về vườn nếu không dẹp được vỉa hè”. Trong chín tháng thực hiện chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, quận 1 đã xử phạt hàng loạt nhà hàng quán nhậu; ôtô biển xanh, đỏ bị cẩu về trụ sở; nhiều công trình của cơ quan công quyền, cơ sở kinh doanh bị đập bỏ… Động thái này đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa khắp cả nước, được Thủ tướng đánh giá cao và giao các địa phương thực hiện. Đến tháng 10/2017, Chủ tịch UBND quận 1 ban hành hai quyết định, giao việc dẹp vỉa hè cho các phường, ông Hải chỉ ra quân khi các phường đề xuất và được chủ tịch UBND quận đồng ý. Hiện vỉa hè ở quận 1 cũng như các địa bàn khác bị tái chiếm nghiêm trọng.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top