Ở nơi không được gọi bố

Dù là bố nuôi hay bố đẻ thì không một người con nào được phép gọi bố là bố, mà phải gọi chệch đi là cha hoặc ba. Chuyện lạ này không ở đâu xa mà ở ngay một ngôi làng nhỏ thuộc Hà Nội.

Ấy là làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì – Hà Nội) gắn với một câu chuyện từ xa xưa đầy huyền bí. Ngôi làng cổ ấy, vốn là nơi phát xuất điệu múa “con đĩ đánh Bồng” đầy cợt nhả nhưng lại cũng vô cùng nghiêm trang trong lời ăn tiếng nói.

Gọi bố là cha

Cho đến nay, làng Triều Khúc có lẽ là ngôi làng hiếm hoi của Hà Nội còn giữ được những nét làng giữa thời ào ạt phố hóa. Vẫn còn những con đường đất mòn vết dép, vẫn còn những bức cổng hoen rêu cổ kính mà phía trên còn ghi dấu đôi chữ Hán; và những ngôi nhà ngói mũi ở phía trong vẫn còn những trang hoàng hệt thời xa xưa.

Ở nơi không được gọi bố ảnh 1
Một góc làng Triều Khúc.

Đấy là những vật thể còn nhìn thấy được như là thứ níu kéo con người ta nhớ về và giữ lấy những cái xa xưa đang dần mất mát. Còn một thứ, là tiếng nói lại không hề phôi phai, vẫn đặc sệt những phương ngữ là cơ duyên bảo tồn tốt nhất cho làng cổ.

 “Tục lệ kiêng không đặt tên con kỵ húy Bố Cái đại vương và không gọi bố là bố của làng Triều Khúc là một nét văn hóa xa xưa. Rất nhiều nhà nghiên cứu, kể cả các giáo sư Nhật Bản cũng về đây tìm hiểu và họ đều phát hiện ra những đặc sắc không đâu trên thế giới có được”.

— Ông Nguyễn Hữu Vỵ, Chủ tịch UBND xã Tân Triều —

Cụ Cai làng Triều Khúc hiện thời là Nguyễn Huy Oanh cũng gật gù tự hào như vậy. Cụ bảo rằng, cái tục lệ không được gọi bố là bố đã có từ lâu lắm rồi. Nó đã thành lệ, thành một thứ luật làng mà chỉ duy có ở đây.

“Gọi bố là cha, là ba, là thầy thì thoải mái, đúng phép đúng mực, chứ không ai được gọi là bố cả. Gọi là bố tức đã phạm lệ làng, là láo, là bất kính”, cụ Huy khẳng định.

Cho nên, từ đứa trẻ nhỏ mỗi khi bi bô tập nói, cha mẹ đã hướng con gọi bố là cha. Nhỡ có khi nào gọi là bố, thì cũng thật là phui phủi cái mồm. Còn thanh niên choai choai, kể cả đứa hổ báo ra ngoài vỗ ngực là bố thiên hạ, về đến làng vẫn khúm núm “lạy cha con về”.

Ở nơi không được gọi bố ảnh 2
Tục lệ không được gọi bố đã có từ xa xưa.

Và tôi thấy, người ngoài đến làng ngụ cư sau một thời gian thông lệ hiểu tục thì cũng bỏ hẳn từ bố. Còn khách lạ đến làng, không biết lệ nên cứ bô bô hỏi “bố ông đâu, bố bà đâu” thì y như rằng, người ta sẽ nhăn mặt như sợ sệt một điều gì đó ghê gớm lắm.

Từ đầu đến cuối làng, từ trong đình ra ngoài chợ, những người con dù già hay trẻ cứ nhất nhất gọi bố là cha. Nhỡ có bà buôn thúng bán mẹt nào lỡ lời chửi mắng “sư bố mày” xong, thì người ta sẽ thấy một cuộc hối lỗi lấy làm thành tâm vô cùng.

 “Cũng có nhiều người tò mò hỏi chúng tôi tại sao không được gọi bố là bố. Hơn 1000 năm nay, làng tôi đã theo cái lệ ấy. Tuy không thành hương ước bắt buộc, nhưng ai cũng ý thức về tập tục, và là để tỏ tấm lòng kính tôn Bố Cái đại vương Phùng Hưng. Chúng tôi coi ngài như cha như mẹ mình vậy”.

—  Cụ Nguyễn Huy Oanh, Cai làng Triều Khúc — 

Cha của dân làng

Cụ Cai làng Nguyễn Huy Oanh khẽ thầm thì với chúng tôi bằng một câu hỏi: “Ông có biết vì sao làng tôi không được gọi bố không?”. Tôi lắc đầu chịu chết, vì hỏi dân làng chẳng mấy ai giải thích cho tường tận. Và để khách lạ vỡ vạc ra những điều sâu thẳm, cụ Oanh giải thích:

Làng Triều Khúc là nơi Phùng Hưng đặt đại bản doanh để đánh thành Tống Bình. Như thế là một vinh dự cho làng Triều Khúc, cho nên ở nghi môn đình bây giờ vẫn còn đôi câu đối: An Nam tráng khí sơn hà tại/Bình Bắc du linh thảo mộc chi. Tức là “khí mạnh dựng trời Nam, núi sông còn mãi/oai thiêng trừ giặc Bắc, cỏ cây còn ghi”.

Ở nơi không được gọi bố ảnh 3
Các cao niên tế lễ “Bố dân làng” – tức Bố Cái đại vương.

Phùng Hưng đem quân tiến về Tống Bình, suốt dọc đường hành quân, dân chúng nô nức kéo nhau đón mừng nghĩa quân như đi hội. Nhiều người nhập đoàn quân, nên khi các đạo quân tiến sát chân thành Tống Bình, thì Phủ Đô Hộ như một cù lao, giữa biển người mang binh khí trùng điệp.

Cao Chính Bình lo sợ phát bệnh mà chết. Đô quan Phùng Hưng kéo quân vào thành Tống Bình dựng nền tự chủ, trị nước yên ổn được 7 năm thì mất. Nhân dân như mất cha, mất mẹ. Thời xưa tục gọi Cha là Bố, Mẹ là Cái nên tôn hiệu Đô quan là: Bố cái đại vương.

Ông Nguyễn Hữu Vỵ, Chủ tịch UBND xã Tân Triều cũng là người Triều Khúc thì khẳng định: “Bố Cái đại vương là một trong những danh hiệu người Triều Khúc gọi đầu tiên. Và cũng từ khi ngài mất, thì người làng tôi coi như cha như mẹ, bởi thế không ai được phép gọi bố mình là bố, cũng không ai được phép đặt tên con cái là Phùng hoặc Hưng”.

Từ đây “con đĩ đánh Bồng”

Hẳn nhiều người đã từng xem điệu múa “con đĩ đánh Bồng”, một điệu múa đầy cợt nhả của những người đàn ông giả gái múa may lả lướt trong ngày lễ hội. Thì đây, điệu múa ấy phát xuất từ chính ngôi làng này, và điệu múa ấy chẳng phải ai xa lạ mà chính do Bố Cái đại vương sáng tạo ra.

Ở nơi không được gọi bố ảnh 4
Tượng thờ Phùng Hưng.

Ở làng Triều Khúc bây giờ, người điều hành cả một gánh múa là ông Triệu Đình Hồng. Là nghệ nhân lâu năm nên ông cũng hiểu rõ cái tích xưa: Sau khi vỗ yên trăm họ, ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (728) Phùng Hưng đăng quang lên ngôi vua và mất năm Mậu Thìn 788. Tiếp nối cha, con của Phùng Hưng là Phùng An lên ngôi và tôn cha làm Bố Cái đại vương và cho các bậc hiền thần đi tìm những nơi có dấu tích của cha để lập miếu thờ.

Nhà vua đã cử người về Triều Khúc cắm đất năm Canh Ngọ 790, đến mùa xuân năm Tân Mùi 791 mới bắt đầu dựng miếu trên gò Lĩnh Hán. Theo tương truyền khi Phùng Hưng khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đường, mỗi khi thắng trận để tổ chức ăn mừng chiến thắng và khích lệ tinh thần của nghĩa quân, ông đều cho trai tráng là binh sỹ đóng giả con gái đeo trống nhỏ để múa hát và điệu múa trống Bồng ra đời từ đó.

Sau hơn cả nghìn năm, điệu múa ấy vẫn còn và những người nam giới Triều Khúc đều thuộc hết các kỹ thuật. Lòng tôn kính của người dân nơi đây không chỉ thể hiện ở những điệu múa tưởng nhớ, hằn sâu trong tiềm thức họ để phát xuất qua lời ăn tiếng nói cũng đầy kiêng kỵ những bất tôn.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top