Nước sắc lá lốt giúp khỏi viêm khớp

Bệnh viêm khớp là một bệnh mạn tính phổ biến ở đối tượng ngoài 30, tuổi càng cao bệnh càng nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Bà Văn Thị Huế (xã Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ) cũng không tránh khỏi bệnh tật đó, nhưng bằng những lá quanh nhà, bà đã đẩy lui bệnh khớp cho mình bằng nước sắc lá lốt.

Bà Huế thường vuốt tay mỗi khi rảnh rỗi để phòng thoái hóa

Trời lạnh: bệnh viêm khớp lên tiếng

Cách đây vài năm, bà Văn Thị Huế cứ mỗi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là tới mùa lạnh, các khớp xương lại đau nhức, sưng lên khiến bà bị hạn chế vận động. Trước kia bà Huế thường lao động nặng, vận động quá sức khiến các khớp xương chịu tác động mạnh, bị tổn thương, thoái hóa.

Sau lần tai nạn khi tuổi mới chưa đầy 40 tuổi, sức khỏe của bà càng yếu, lúc này thời tiết trở lạnh khiến bệnh viêm khớp tái phát, tay chân sưng phù lên và đau nhức khiến bà khó khăn trong việc đi lại, cầm nắm đồ vật. Dù đã uống nhiều loại thuốc nhưng chỉ giúp giảm đau tức thời, sau khi ngưng thuốc bệnh lại tái phát. Lo lắng việc sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau trong một thời gian dài sẽ gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến cơ thể như suy thận, hại gan, loãng, giòn xương,… nên bà Huế không dám sử dụng nhiều.

Trong lúc phân vân tìm phương pháp khác để chữa trị căn bệnh viêm xương khớp mạn tính, bà Huế được người quen mách cho bài thuốc trị viêm khớp từ cây lá lốt. Vốn không tin tưởng lắm vào hiệu quả của nó, nhưng bà tìm hiểu thì thấy các bác sĩ cho hay, theo Đông y, lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, công dụng ôn trung (làm ấm bụng); tán hàn (trừ lạnh); hạ khí (đưa khí đi xuống); chỉ thống (giảm đau); yêu cước thống (đau lưng, đau chân), tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu… Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Chưa biết thực hư hiệu quả ra sao, bà Huế thấy lá lốt dễ kiếm, rẻ tiền, bà thử làm theo, không ngờ căn bệnh viêm khớp của bà đã có nhiều biến chuyển tốt.

Nước sắc lá lốt + luyện tập

Bà Huế sử dụng lá tươi hoặc lá khô khoảng 5g -10g sắc với 2 bát nước còn ½ bát để nguội bớt rồi uống khi còn ấm sau bữa ăn tối liên tục trong 7 ngày. Ngoài ra, bà còn dùng thân, rễ, lá lốt đun lên lấy nước dùng để ngâm tay chân giúp các khớp xương bị sưng phù xẹp xuống, giảm bớt đau nhức. “Tôi thường dự trữ lá lốt khô để khi thời tiết có thay đổi thì uống ngay hoặc ngâm chân tay để tránh viêm khớp tái phát.” – Bà Huế chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà còn kết hợp dùng tay vuốt các ngón tay, ngón chân, các đốt ngón tay, ngón chân từ dưới lên trên và đổi tay, làm khoảng 20 lần, đặc biệt vào buổi sáng để chống co cứng các khớp. Cùng với việc tập luyện các bài tập vận động nhẹ nhàng như dưỡng sinh, vẩy tay để giúp các khớp xương linh hoạt, mềm dẻo hơn.

Việc uống và ngâm chân tay bằng lá lốt kết hợp với luyện tập nhẹ nhàng giúp bệnh viêm khớp của bà Huế được cải thiện nhiều, bớt sưng phù đau nhức mỗi khi trời trở lạnh.

Lương y Chu Văn Tiến, Hội Đông y Vĩnh Tường cho biết, lá lốt là vị thuốc Đông y còn gọi là tất bát. Lá lốt cũng được coi là rau tương đối giàu dinh dưỡng, có mùi thơm đặc trưng làm dậy mùi thơm của thịt cá, ăn ngon dễ tiêu còn là vị thuốc quý chữa chứng phong thấp.

    Theo YHCT lá lốt có vị cay, tính ấm. Tác dụng khử hàn, trừ thấp, kiện tỳ, tiêu viêm, thông kinh lạc… thường chữa các chứng phong tê thấp, đau nhức xương khớp, đổ mồ hôi tay chân, đầy bụng chậm tiêu, tiêu chảy, nôn mửa khó tiêu … Một số bài thuốc từ lá lốt rất hiệu quả như sau: Chữa các chứng tay chân tê, mỏi, ra mồ hôi. Lá lốt tươi 100g hoặc khô 30g sắc nước uống, hoặc ngâm chân; Chữa đau lưng nhức mỏi cơ khớp lá lốt rang nóng với muối đầm vào túi vải chườm; Chữa đau nhức cơ khớp toàn cây lá lốt, phối hợp cỏ xước, cây xấu hổ, tất cả sao vàng mỗi vị 10-15g sắc nước uống nhiều ngày. Lưu ý lá lốt dùng uống trong, hoặc ngâm, đắp ngoài cũng phải dùng nhiều ngày mới có hiệu quả.

Hải Nam

Theo Đời sống
back to top