Nước phơi nắng tốt cho sức khỏe?

(khoahocdoisong.vn) - Nước đun sôi có thể diệt sạch vi khuẩn trong khi đó lại không có khả năng loại bỏ hóa chất và các độc tố khác như kim loại lắng cặn. Trong khi nước phơi nắng thì có thể làm được điều này?

Hỏi: Tôi nghe nói phương pháp “phơi nước” dưới ánh sáng mặt trời được đánh giá hiệu quả hơn 100% so với đun sôi nước uống truyền thống. Xin hỏi có đúng không?

Lê Thiện Hải (Quảng Bình)

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Cho đến nay thì nước đun sôi để nguội vẫn là loại nước uống phù hợp với số đông và tốt cho sức khỏe. Tất nhiên, nước đun sôi để nguội không thể làm bay hơi được các chất ô nhiễm. Nhưng vấn đề là để có nước uống sạch và an toàn thì nước đầu vào phải sạch, nghĩa là phải được lọc bỏ hết các kim loại nặng và chất độc hại khác. Ví dụ như nước trước khi nấu có hàm lượng amoni nitrat quá cao thì khi để lâu, nitơrat sẽ chuyển hóa thành nitơrit gây độc cho cơ thể. Khâu đun sôi chỉ là khâu cuối để diệt bỏ vi khuẩn gây bệnh cũng như các tác nhân có hại khác.

Khái niệm nước phơi nắng ở đây là được phơi và hấp thụ bằng những dụng cụ đặc biệt, được hiểu là dụng cụ lọc nước như chúng ta vẫn dùng, nhưng lọc bằng ánh sáng và nhiệt độ. Để nước bốc hơi và ngưng tụ tạo ra nước uống sạch. Khác hoàn toàn với việc bạn lấy một chai nước ra rồi phơi nắng để uống. Với cách làm đó, không thể nói nước phơi nắng an toàn hơn nước sôi.

Nước uống đun sôi để nguội và phải được bảo quản trong bình kín, vệ sinh bình đựng, ấm đun và ly tách, bể, dụng cụ chứa nước cũng phải thường xuyên làm vệ sinh để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn. Để càng lâu thì dễ xảy ra tình trạng nước bị tái nhiễm khuẩn. Ngoài ra, nếu để nước lâu thì lợi ích cho sức khỏe từ nước sẽ không còn, những hợp chất hữu cơ và khí oxy có trong nước sẽ bị bốc hơi. Nước đun sôi để càng lâu thì sẽ làm gia tăng lượng kim loại nặng trong nước như chì và cadimium. Hơn nữa, nước để lâu sẽ làm tăng lượng nitrat khi đi vào cơ thể gây ra phản ứng hóa học sinh ra muối nitric làm ức chế khả năng vận chuyển oxy trong máu khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn, nặng hơn có thể gây ra những rủi ro về tim mạch.

Theo Đời sống
back to top