Chia sẻ với PV Báo KH&ĐS, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Trong khoảng 1 – 2 ngày nữa, Trường sẽ công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (điểm sàn).
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thời hạn công bố trước ngày 23. Tuy nhiên, Trường ĐHBK muốn công bố sớm, trước ngày 21, là ngày Hội Tư vấn xét tuyển ĐH – CĐ năm 2019 sẽ diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa để các em học sinh có những thông tin cần thiết, từ đó nhận sự tư vấn, hỗ trợ từ các thầy cô.
Về mức điểm sàn, PGS.TS Trần Văn Tớp “tiết lộ”: Điểm sàn của trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có 3 mức: 20, 22, 24 điểm, ngoại trừ một số chương trình đào tạo quốc tế, ngưỡng điểm nộp hồ sơ là 19 điểm. Các mức này sẽ tương ứng với từng nhóm ngưỡng điểm trong dự báo điểm chuẩn của Trường ĐHBK Hà Nội đã công bố mói đây.
Cụ thể, ngưỡng điểm 24 thuộc về ngành theo dự báo điểm chuẩn của ĐH Bách khoa đang ở mức 27 – 28 điểm (Khoa học máy tính); 26 – 27 điểm (gồm Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo) và mức 25 – 26 điểm (gồm Công nghệ Thông tin Việt - Nhật; Công nghệ thông tin Global ICTl; Kỹ thuật cơ điện tử; Kỹ thuật điều khiển, tự động hóa).
Ngưỡng 22 điểm cho những ngành đang dự báo điểm chuẩn ở mức 23 – 24, 24-25 điểm.
Ngưỡng 20 điểm cho những ngành theo dự báo mức điểm chuẩn còn lại, trừ chương trình đào tạo quốc tế là 19 điểm.
|
Tuy nhiên, khi đánh giá về độ chính xác của dự báo điểm chuẩn Trường ĐHBK Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết không hề vô căn cứ, ngược lại, rất có trách nhiệm với các thí sinh.
Giải thích về việc vì sao có ngành dự báo ở mức 27 – 28 điểm, nhưng điểm sàn lại là 24, PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết, thứ nhất, là để đảm bảo quyền của các em học sinh. Thứ hai, là để tránh thiệt thòi cho các thí sinh, khi sau này, lỡ điểm thấp hơn ở mức 27-28 điểm, sẽ rất nuối tiếc.
Theo ông Tớp, để có được dự đoán này, Trường phải dựa vào những căn cứ, đầu tiên, là qua phân tích phổ điểm các năm.
Ví dụ, năm 2017 phổ điểm khá cao do đề dễ hơn năm 2018. Điều này, làm ảnh hưởng tới điểm chuẩn các ngành trong 2 năm. Đơn cử ngành Công nghệ thông tin của ĐHBK năm 2017 lấy 28,25 điểm. Nhưng 2018 còn 25,35 điểm.
Đối với năm 2019, qua tất cả dữ liệu của Bộ công bố cũng như phân tích tất cả các dữ liệu cho thấy, điểm mỗi môn học đều tăng lên so với năm ngoái. Và nếu điểm mỗi môn học tăng 0,5 – 1 điểm thì khi xét một tổ hợp, điểm có thể tăng 1,5 – 3 điểm.
Hàng cây trước quảng trường C1, ĐH Bách khoa đang thay lá… Ảnh: hust.edu |
Căn cứ thứ 2 là căn cứ vào kinh nghiệm xét tuyển, điểm trúng tuyển của những năm học vừa rồi, đặc biệt là những xu hướng về ngành nghề. Có những ngành “hot”, thu hút nhiều nguyện vọng.
Ví dụ, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành Khoa học máy tính mà Trường dự báo 27- 28 điểm rất là đông, NV1 đã là 2.600 em. Trong khi chỉ tiêu chỉ có 280, và riêng học sinh được tuyển thẳng đã là 60 em rồi. Chỉ tiêu giảm thì đương nhiên dự báo điểm chuẩn sẽ tăng lên.
Nếu như đưa ra mức điểm dự báo khoảng 22, 23, 24 các em đổ xô vào, nguyện vọng lên tới 4 – 5.000 em, rồi các em không trúng thì sẽ làm các em mất cơ hội, thiệt cho các em.
“Tất nhiên dự báo làm sao càng gần điểm chuẩn càng tốt. Tuy nhiên, không ai dám nói đưa ra dự báo con số chính xác. Dự báo trong khoảng để các em biết được xu hướng mà dịch chuyển ngành nghề. Năm ngoái, khi chúng tôi đưa ra mức dự đoán điểm chuẩn, rất nhiều người, kể cả các thí sinh ở trên facebook nói rằng các thầy BK “thả thính”. Nhưng kết quả cho thấy, BK dự báo khá chuẩn”, ông Tớp chia sẻ.
“Nếu có lời khuyên đối với học sinh trong việc thay đổi nguyện vọng, thì đầu tiên theo tôi là các em phải chọn ngành trước. Học ngành mà mình ưa thích, thì mới nuôi được đam mê, có động lực, nghị lực để học tập sau này. Tuy nhiên, phải lượng sức mình. Nếu ngành mình ưa thích, ở trường ưa thích nhưng điểm mình không đủ “tự tin”, thì cần xem xét, cân nhắc”, PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ.