Nội soi phế quản, bệnh nhân 30 tuổi bị ngừng tuần hoàn

24h chạy đua thời gian, chiến đấu căng thẳng, kịch tính, các bác sĩ của hai bệnh viện, Hùng Vương Phú Thọ và Bạch Mai đã cấp cứu thành công bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn sau khi nội soi phế quản.

Ngừng tuần hoàn ngay trước mặt các bác sĩ hồi sức

Luật sư Phạm Văn Học, Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết, ngày 14/05/2023 các bác sỹ của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương và Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp và cấp cứu thành công nam bệnh nhân ngừng tuần hoàn sau khi nội soi phế quản. Đây là một trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp và đặc biệt của ekip các bác sỹ của 2 bệnh viện.

9 giờ sáng ngày 14/5/2023 nam bệnh nhân 30 tuổi trú tại thành phố Hòa Bình có chỉ định nội soi phế quản, công tác chuẩn bị: Gây mê, soi, sinh thiết hoàn toàn thuận lợi.

9h40 phút bệnh nhân được chuyển sang buồng hồi tỉnh, lắp monitoring theo dõi.

9h50 phút bệnh nhân tỉnh, gọi hỏi đáp ứng tốt.

9h55 phút bệnh nhân tự xoay người nằm nghiêng và bắt đầu diễn biến, Sp02 tụt, tay chân lạnh, mạch chậm, 9h58 phút huyết áp tụt, da xanh nhợt, tím tái .

10h00 phút mạch rời rạc, ngay sau đó mạch cảnh, mạch bẹn không bắt được. Mặc dù đã được xử trí rất chuyên nghiệp, thở oxy qua mas, tăng cường thuốc vận mạch nhưng rất nhanh bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, rung thất và cuối cùng là ngừng tuần hoàn ngay trước mặt ekip các bác sĩ hồi sức.

Nội soi phế quản, bệnh nhân 30 tuổi bị ngừng tuần hoàn ảnh 1

Nội soi phế quản, bệnh nhân 30 tuổi bị ngừng tuần hoàn

24 giờ chạy đua thời gian dành bệnh nhân 3 lần ngừng tim từ lưỡi hái tử thần

Ngay lập tức báo động đỏ được kích hoạt, tại phòng hồi tỉnh của khu vực nội soi các bác sĩ và điều dưỡng tiến hành ép tim, đặt nội khí quản, sốc điện phá rung và dùng tối đa thuốc vận mạch.

Một câu hỏi đặt ra là, bệnh nhân ngừng tuần hoàn vì lý do gì khi trước thủ thuật nội soi mọi thứ hoàn toàn bình thường?

Ngộ độc thuốc tê?

Sốc phản vệ?

Tác dụng phụ của thuốc gây mê?

Tất cả các câu hỏi và câu trả lời ấy đều phải đưa ra và giải quyết trong giây lát, khoảng 10h20 phút tim bệnh nhân đập trở lại, màn hình monitoring các chỉ số sinh tồn nhảy nhót, mạch 100, sp02 98, huyết áp 90/50.

Đến 10h30 phút bệnh nhân lại ngừng tim, các bác sỹ và điều dưỡng lại tiếp tục ép tim, lại sốc điện, quá trình có mạch rồi mất lặp lại đến lần thứ năm, vận mạch điều chỉnh tăng đến liều tối đa. Gần - 11h00 phút bệnh nhân có mạch trở lại nhưng rời rạc, siêu âm tim EF25%, làm khí máu bệnh nhân có tình trạng toan chuyển hóa rất nặng bệnh nhân được đưa xuống khoa hồi sức tích cực để thở máy.

11h20 phút bọt lẫn máu chảy qua ống nội khí quản Sp02 tụt, bệnh nhân xuất hiện phù phổi cấp. Các chỉ số sinh tồn đều ở giới hạn nguy hiểm nhất.

Ở thời điểm cực kỳ nguy cấp, câu hỏi cần trả lời là tiếp tục để lại hay chuyển tuyến?

Bệnh viện Bạch mai sẽ là nơi tốt nhất nhưng liệu có kịp?

Quá trình chuyển tuyến thì lấy phương tiện gì để lọc máu?

Tại thời điểm này lọc máu cấp cứu là việc làm bắt buộc, nhưng nếu bệnh nhân tiếp tục ngừng tim thì giải quyết như thế nào?

Trong tình thế chông chênh và đặc biệt nguy cấp đó, sau khi có sự đồng thuận của người thân của bệnh nhân, ban giám đốc BVĐK Hùng Vương đã hội chẩn và được các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai đồng ý cử một kíp bao gồm các chuyên gia hồi sức trong đó chủ đạo là hệ thống máy ecmo (Tim phổi nhân tạo) sẽ chạy ngược lên Bệnh viện đa khoa Hùng Vương để sẵn sàng ứng phó trong tình huống xấu nhất.

Tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương bệnh nhân được lọc máu liên tục, tiếp tục chạy vận mạch, hồi sức tích cực, bù dịch và theo dõi chặt chẽ.

Khoảng 15h00 phút nhóm chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, hệ thống máy ecmo được lắp đặt, các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa được huy động, túc trực, trong buồng bệnh không khí căng thẳng đến ngột ngạt, tiếng máy thở, tiếng monitoring, tiếng bước chân, tiếng y lệnh khô khốc và cả tiếng thổn thức của người thân của bệnh nhân. Tất cả đều rất căng thẳng, lo lắng và chờ đợi.

16h30 phút điều kỳ diệu bắt đầu xuất hiện, kết quả xét nghiệm sinh hóa, kết quả siêu âm tim, kết quả x-quang phổi đều đảo chiều và theo chiều hướng tích cực, các bác sĩ của cả hai Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Bạch Mai đều quyết định tạm dừng việc chạy ecmo và giám sát chặt chẽ các chỉ số, tiếp tục duy trì lọc máu.

Sau 24 giờ chạy đua với thời gian, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo bình thường, các chỉ số sinh tồn ổn định và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Dự kiến chiều và đêm nay bệnh nhân sẽ được cắt máy thở và kết thúc lọc máu liên tục. Các bác sĩ và bệnh nhân cơ bản đã chiến thắng.

Theo Đời sống
back to top