Tạo cầu nối động mạch cánh tay – tĩnh mạch tùy hành cho bệnh nhân lọc máu chu kỳ là kỹ thuật mới của Khoa Phẫu Thuật Tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã giúp ích cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính phải lọc máu.
Không có đường truyền lọc máu
Anh Nguyễn Văn A (Hưng Yên) bị suy thận, nhiều năm nay phải chạy thận nhân tạo lọc máu mỗi tuần 3 lần. Hiện tại tất các tĩnh mạch nông của anh đều bị xơ, vỡ không có mạch làm cầu nối để tiếp tục lọc máu chu kỳ. Tình trạng của anh rất nguy kịch, nếu không có mạch để lọc máu, tính mạng sẽ bị đe dọa. Gia đình anh kinh tế rất khó khăn không thể kiếm đâu ra mấy chục triệu để mua mạch nhân tạo làm cầu nối.
BS Ngô Tuấn Anh, Khoa Phẫu thuật Tim Mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, lọc máu là một điều trị sống còn cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, những bệnh nhân khi lọc máu lâu ngày, đặc biệt kèm theo một số bệnh lý như bệnh đái tháo đường, tĩnh mạch nông bị xơ, không còn tĩnh mạch nông để làm cầu nối như trường hợp của anh A thì bắt buộc phải dùng mạch nhân tạo làm cầu nối. Ưu điểm của mạch nhân tạo là có sẵn, tiện dụng, nhưng dễ nhiễm trùng, chảy máu. Đặc biệt, mạch nhân tạo đắt hơn phương pháp bình thường khoảng 24 triệu.
“Cái khó, ló cái khôn”!
Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim Mạch đã lấy tĩnh mạch sâu, tĩnh mạch tùy hành của động mạch (bình thường không chọn mạch này vì nó nằm sâu, khó và mỏng hơn tĩnh mạch nông) tách mạch tùy hành ra biến sâu thành nông và thực hiện thành công cho bệnh nhân. Bệnh nhân tiếp tục được lọc máu chu kỳ.
Đến nay, phương pháp này đã được Bệnh viện thực hiện cho nhiều bệnh nhân lọc máu chu kỳ. Đây là phương pháp mới, chưa có bệnh viện nào thực hiện được, và kỹ thuật này Khoa đã đạt giải Nhì tại Hội thao sáng tạo kỹ thuật tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội lần thứ XXVIII.
Giá thành hạ, chất lượng tốt
Theo BS Ngô Tuấn Anh, ưu điểm của kỹ thuật này so với kỹ thuật hiện tại (cầu nối mạch nhân tạo) là dùng chính mạch tự thân của bệnh nhân nên nguy cơ nhiễm khuẩn thấp hơn. Tỉ lệ thông cầu cao và hẹp/tắc sau mổ thấp hơn. Đặc biệt, dùng mạch tự thân nên giá thành rẻ hơn rất nhiều. Tuổi thọ của cầu nối mạch nhân tạo thường được 1 năm, nhưng nhanh tắc vì mạch nhân tạo là một vật thể lạ khi đưa vào cơ thể sẽ gây phản ứng đào thải, còn mạch tự thân tuổi thọ sẽ cao hơn mà ít biến chứng.
Vì vậy, BS Ngô Tuấn Anh khuyên, những bệnh nhân suy thận phải lọc máu chu kỳ mà hệ tĩnh mạch nông chi trên không còn phù hợp cho làm cầu nối (đường kính tĩnh mạch <2mm), khó khăn về kinh tế và mong muốn hạn chế những bất lợi của việc dùng mạch nhân tạo thì nên áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên, muốn áp dụng được phương pháp này cũng đòi hỏi đường thông phải có lưu lượng tốt và tĩnh mạch được chuyển vị đến vị trí thích hợp để có thể chọc kim lọc máu.