Những người dễ mắc đái tháo đường thai kỳ

(khoahocdoisong.vn) - Theo thống kê, phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ chiếm khoảng từ 2-5%. Đây là con số đáng lo ngại vì có tới 1/2 số người mắc đái tháo đường thai kỳ đã trở thành đái tháo đường thực sự trong vòng 20 năm.

Lớn tuổi, béo phì mang thai dễ mắc bệnh

Bình thường, insulin được tụy tạng sản xuất ra để điều hòa glucose máu. Khi mang thai, các hormon của nhau thai làm rối loạn việc sản xuất này. Khi nhu cầu tăng cao mà tụy không đảm bảo sản xuất đủ lượng insulin cần thì glucose máu sẽ tăng cao. Đó là nguyên nhân của ĐTĐ thai kỳ.

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ĐTĐ lúc mang thai như: Thừa cân, béo phì, lớn tuổi khi mang thai (trên 35 tuổi), gia đình hay bản thân có tiền sử ĐTĐ. Tuy nhiên, khoảng 30% trường hợp bị ĐTĐ lúc thai nghén không tìm thấy nguy cơ hay có nguy cơ ở mức thấp. Thống kê của Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho thấy, có khoảng 2 - 5% thai phụ bị ĐTĐ thời kỳ thai nghén. Những người đã bị ĐTĐ trước lúc có thai thì bệnh dễ bị nặng thêm. Tình trạng hạ đường huyết dễ xảy ra ngay từ những tháng thai nghén đầu tiên do ăn uống kém, nôn mửa, nhất là đối với những người đang điều trị bằng insulin. Khi chuyển dạ, do ăn uống kém, các cơ tử cung và cơ bắp của cơ thể lại vận động nhiều, tiêu tốn nhiều năng lượng thì nguy cơ hạ đường huyết rất cao. 

ThS Phan Hướng Dương, Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, thai phụ bị ĐTĐ khi mang thai có nguy cơ bị các tai biến sản khoa cao hơn thai phụ bình thường như tăng huyết áp (khoảng 10%). Tỷ lệ tiền sản giật ở người bị tiểu đường khi mang thai cao (khoảng 12%) so với người có thai bình thường (chỉ khoảng 8%). Tăng nguy cơ bị sảy thai tự nhiên nếu kiểm soát không tốt glucose máu ở 3 tháng đầu. Lâu dài bệnh không được kiểm soát có thể chuyển sang ĐTĐ týp 2.

Người có thai bị ĐTĐ có ảnh hưởng xấu đến mẹ và con. Đối với bà mẹ sẽ dẫn đến sinh khó. Đối với thai nhi, tỷ lệ tử vong chu sinh cao. Thai có thể bị dị tật. Trẻ sơ sinh khi sinh ra cũng dễ bị ĐTĐ. Tâm thần kinh của trẻ thường chậm phát triển. Sự trưởng thành về phổi của thai trong dạ con bà mẹ bị ĐTĐ thường chậm hơn so với thai nhi của các bà mẹ không bị bệnh. Do vậy, nếu những trẻ này sinh non sẽ dễ bị suy hô hấp.

Nếu biết cách vẫn có thể sinh con bình thường

Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư, phụ nữ  trẻ mắc ĐTĐ nếu muốn sinh con khỏe mạnh, cần giữ ổn định đường huyết cả trước thời gian thụ thai và trong suốt quá trình mang thai cũng như lúc đẻ. Các bà mẹ này phải thử máu nhiều lần trong ngày (6 lần nếu có thể) khám bệnh thường xuyên 2 tuần 1 lần.

Trong chế độ ăn, không cần giảm kalo để kiểm soát đường huyết, thậm chí còn được phép tăng cân trong thời kỳ có thai. Tuy nhiên, phải hạn chế thức ăn nhiều chất béo, mỡ động vật, hạn chế sử dụng đường hoá học và phải cung cấp đủ protein. Nên ăn mỗi ngày 3 bữa và một bữa phụ vào buổi tối trước khi đi ngủ. Về điều trị, kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn ở mức < 5,8mmol/l lúc đói, đường huyết 1 giờ sau ăn 7,8mmol/l và 2 giờ sau ăn < 7,2mmol/l. Cũng không nên để mức đường huyết lúc đói thấp 3,4mmol/l.

Về dinh dưỡng, tổng số năng lượng mỗi ngày dành cho bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ được tính dựa trên cân nặng lý tưởng. Trên phụ nữ đã có cân nặng lý tưởng tổng số năng lượng là 30Kcal/kg, những thai phụ gày cần nhiều năng lượng hơn và ngược lại. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo sự tăng trọng cần thiết trong thai kỳ: 0,45kg mỗi tháng trong quí đầu, 0,2 - 0,35kg mỗi tuần trong quý 2 và 3 của thai kỳ. Nên kiêng các thức ăn, nước uống chứa nhiều đường hấp thu nhanh, khuyến khích ăn các loại carbohydrat hấp thu chậm (đường phức và các chất xơ). Tổng số năng lượng được chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhưng không nên ăn nhiều carbohydrat vào buổi sáng. Về dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cần đi bộ chậm, mỗi ngày đi từ 15 – 20 phút hoặc đạp xe dạo 20 – 30 phút/ngày. Sau khi sinh con được 6 tuần phải đi khám để làm nghiệm pháp tăng đường máu để xác định xem có bị ĐTĐ nữa hay không. Nếu đường máu vẫn cao, thì có thể đã mắc ĐTĐ trước đó mà không được phát hiện. Trong trường hợp này, phải điều trị bệnh ĐTĐ như những bệnh nhân khác. Nếu đường máu trở lại bình thường thì không cần phải điều trị bằng thuốc nhưng cần theo dõi.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top