Hỏi: Em mang thai tuần thứ 27 và đang được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Em ăn uống, sinh hoạt rất bình thường, trước đây đường huyết không cao, tại sao em đột nhiên mắc bệnh này? Liệu có gây ảnh hưởng tới thai nhi không?
Lê Lệ Thu (Quảng Ninh)
ThS.BS Đỗ Đình Tùng, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, để cung cấp glucose và dinh dưỡng cho thai nhi phát triển, cơ thể mẹ phát triển kháng insulin ở một mức độ nào đó. Nếu kháng insulin ở mức độ nhỏ thì có lợi vì nó cung cấp cho thai nhi lượng glucose cần khi người mẹ bị đói trong thời gian ngắn nhưng khi kháng insulin vượt ra khỏi kiểm soát, người mẹ dễ dẫn tới đái tháo đường thai kỳ. Thực chất, đây là tình trạng mất cân bằng hàm lượng đường huyết trong thời kỳ mang thai và xuất hiện sau 24 tuần. Trong phần lớn các trường hợp, triệu chứng sẽ giảm sau khi sinh con nên bạn không cần lo lắng. Đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn tới thai to và tổn thương khi sinh và nếu hàm lượng đường huyết lúc đói vượt quá 150mg%, nguy cơ tử vong bào thai tăng ở tuần thứ 4-8 của thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ bị tiểu đường týp 2 của mẹ trong tương lai. Để phòng tránh bệnh, bà mẹ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần tránh ăn quá nhiều những sản phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, hạn chế thực phẩm chiên rán, nên chia bữa ăn nhỏ ra để đảm bảo bổ sung dinh dưỡng liên tục cho thai nhi. Nên hạn chế ăn đồ ngọt và năng tập luyện hàng ngày.