Công nghệ nano tạo bước tiến mới trong điều trị đái tháo đường

(khoahocdoisong.vn) - Y khoa nano, nanomedicine là những ứng dụng của công nghệ nano trong lĩnh vực y tế để phòng ngừa và chẩn trị bệnh trong đó có bệnh đái tháo đường

Bước tiến trong theo dõi và điều trị đái tháo đường

Công nghệ nano đã giúp các nhà khoa học chế tạo ra các máy xét nghiệm siêu nhỏ nhưng có khả năng đo lượng insulin liên tục trong máu thay vì lấy máu xét nghiệm. Máy xét nghiệm insulin nano sử dụng các điện cực nano cacbon để đo lượng insulin trong máu theo thời gian thực.

 Các hạt cảm biến đo lượng đường trong máu được tiêm dưới da, khi có sự biến đổi nồng độ glucose thì các cảm biến kết hợp với phân tử huỳnh quang sẽ tạo ra ánh sáng. Dựa vào màu sắc ánh sáng người ta có thể biết được nồng độ glucose. Công nghệ này trong tương lai cũng cho phép theo dõi nhiệt độ, mạch, huyết áp của chúng ta. Một con chip sẽ kết nối với điện thoại hoặc trung tâm theo dõi sức khỏe để có thể cảnh báo những bất thường cho người bệnh.

Người mắc bệnh đái tháo đường phải điều trị bằng insulin đang gặp rất nhiều phiền toái do hằng ngày phải tiêm một đến nhiều lần gây đau, loạn dưỡng cơ, bảo quản phức tạp, nhất là đi xa. Do insulin không thể chế được ở dạng uống vì đây là một loại protein nên khi đến dạ dày sẽ bị tiêu hóa giống như các loại protein chúng ta ăn vào (thịt, cá,..). Insulin dạng tiêm là chủ yếu ngoài ra rất ít ở dạng hít được sử dụng.

Công nghệ nano đã giải quyết được vấn đề này thông qua hệ thống cung cấp insulin bằng đường uống, đưa insulin vào máu để đạt được nồng độ insulin điều trị.

Đây là một dạng insulin mới đang được tập trung nghiên cứu vì những lợi ích của nó mang lại như ít xâm lấn, không đau, cải thiện sự tuân thủ điều trị. Các phân tử insulin được bọc trong các hạt nano sẽ giúp insulin không bị phân hủy bởi axit dạ dày, làm tăng tính thấm của insulin qua màng tế bào ruột vào máu để đến các mô đích.

Tụy nhân tạo là một giải pháp toàn diện nhất để điều trị cho các bệnh nhân đái tháo đường cần phải tiêm insulin như đái tháo đường tuýp 1, giai đoạn muộn của đái tháo đường tuýp 2 hoặc các thể đái tháo đường khác do tổn thương tụy.

Ý tưởng đầu tiên về tụy nhân tạo được đưa ra năm 1974. Khái niệm ban đầu chỉ là: một điện cực cảm biến liên tục đo mức đường huyết; thông tin này cung cấp cho một máy tính nhỏ cung cấp năng lượng cho bơm tiêm truyền, và lượng insulin cần thiết từ hộp dữ trữ vào máu. Dựa vào công nghệ nano người ta sản xuất ra các siêu robot được cấy dưới da có các cảm biến với glucose, do nhận biết được nồng độ glucose, robot sẽ tính toán bơm vào máu một lượng insulin cần thiết tương ứng. Việc đo lượng glucose liên tục và giải phóng vào trong máu một lượng insulin đủ để duy trì đường máu bình thường giống như sinh lý của cơ thể sẽ làm giảm các biến chứng của bệnh đái tháo đường; người bệnh sẽ tránh được các cơn hạ đường máu đột ngột. Tuy nhiên công nghệ này vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu.

Kiểm soát nhiễm khuẩn vết thương

Hiện nay các bác sĩ đã ứng dụng nhiều loại băng gạc có chứa những nang nano kháng sinh để điều trị loét do nhiễm khuẩn đặc biệt các loét lâu liền ở bệnh nhân đái tháo đường. Tại các vết loét nhiễm khuẩn, các nang nano này mở ra giải phóng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn tại chỗ. Các nghiên cứu cho thấy rút ngắn thời gian điều trị nhiễm trùng, giảm số lần thay, vết thương liền nhanh hơn và giảm số ngày điều trị, nằm viện. Ví dụ: Đại học New South Wales (Úc) hạt nano sắt oxide để điều trị các nhiễm trùng mãn tính có thể ứng dụng tốt ở bệnh nhân đái tháo đường có loét hoại tử chi.

Tại Việt Nam, các loại băng gạc tiên tiến có sử dụng công nghệ nano đã được áp dụng thành công tại một số bệnh viện trong đó có Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa – Đại học Y Hà Nội. 

TS. BS. Đỗ Đình Tùng (Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top