… để yêu nhau
Tôi đã từng đến nhiều trại phong trên dải đất hình chữ S, đến những trại phong dã chiến như Quả Cảm (Bắc Ninh), Văn Môn (Thái Bình), Quỳnh Lập (Nghệ An) sống và chứng kiến sinh hoạt thường nhật của những người kém may mắn từng một thời bị xã hội xa lánh.
Tôi cũng từng chứng kiến nhiều ca tiểu phẫu giúp cho bệnh nhân cắt đi những phần thân thể đang bị “ăn mòn”. Sự đau đớn về thể xác là rất khó vượt qua, nhưng đó chỉ là một con số của hàng đơn vị trong dãy số của sự mặc cảm với bệnh tật.
Các bệnh nhân tại Trại phong Ba Sao hầu hết là người cao tuổi
Nhà văn, nhà báo Phạm Đình Tiến là một bệnh nhân phong có thâm niên tại Trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An) từng than thở với tôi rằng: “Con người phải trải qua thứ bệnh kinh khủng này, phải đối mặt với xã hội khi con hủi đang xâm lấn, đục khoét thân thể thì mới hiểu hết được sự kỳ thị, xa lánh. Nó ghê gớm và thực sự là cơn ác mộng cuộc đời chứ chẳng nghĩ được chuyện phải gặp gỡ, phải yêu nhau”.
Ấy thế mà ở Trại phong Ba Sao chuyện yêu nhau, lấy nhau đã trở thành truyền thống. Phải chăng những mặc cảm của chính người bệnh không còn? Câu hỏi ấy nhanh chóng được ông Phan Minh Tân, Phó Giám đốc Trại phong giải thích: “Người bệnh thì lúc nào cũng mặc cảm, nó như niềm tin đã được xác tín trong tâm hồn. Nhưng điều đáng quý nhất ở đây là mỗi người đã tự giải tỏa một phần khổ đau để đến với nhau. Họ lấy nhau có thể có đăng ký hợp pháp, có thể không hợp pháp nhưng cái tình dành cho nhau đã là vui lắm rồi”.
Hơn 100 bệnh nhân ở Trại phong Ba Sao là chừng ấy số phận buồn. Người ở Nam Định, người Hà Nam, người Vĩnh Phúc, Hưng Yên… đủ cả. Tất thảy họ đều không còn được lành lặn. Người rụng tay, người khuyết chân và tất cả đều đã có tuổi. “Em trẻ nhất mới có 55 tuổi anh ạ!”, lời chào và cũng là lời giới thiệu của bệnh nhân Nguyễn Thị Rởi quê Trực Ninh (Nam Định).
Vườn nuôi ong của một bệnh nhân phong
Ông Tân bảo chúng tôi: “Đây là trại phong lâu đời nên toàn bệnh nhân cao tuổi. Người trẻ nhất 55, người cao tuổi nhất đã 101. Trại có đến 30 cụ trên 80 tuổi”.
Chúng tôi tiến đến khu nhà ở của các đôi vợ chồng. Cụ Tô Ngọc Vân và cụ Đoàn Thị Sòi cũng đã ở ngưỡng tuổi 85. Đây cũng là đôi vợ chồng duy nhất trong trại có giấy hôn thú. Cụ Vân bảo: “Tôi người Ninh Bình, bà ấy người Nam Định, chúng tôi “Nam chinh Bắc chiến” khắp các trại phong ở Việt Nam rồi. Giờ là lúc chúng tôi được hạnh phúc bên nhau”.
Cụ Sòi nghe thế cười cáo tội: “Vợ chồng mà có hai giường cháu ạ. Ông ấy một giường, tôi một giường. Trời lạnh thế này tôi bảo ông ấy chung giường cho ấm thì ông ấy lại bảo già rồi, chung giường khó ngủ”.
Phòng bên cạnh là vợ chồng cụ Nguyễn Văn Ấn và Trần Thị Ban, cụ Ấn đã bị rụng mất bàn tay bên phải, còn cụ Ban khuyết mất bàn chân bên trái. Họ đã ăn ở với nhau đến nay được tròn 10 năm, cũng từng ấy năm họ chưa bao giờ to tiếng, cũng chưa đêm nào xa nhau.
Cụ Ấn bảo: “Yêu sao cho biết đêm dài, hai người bệnh ăn ở với nhau bằng cái tình cái nghĩa. Từ khi chúng tôi bị bệnh, người nhà coi như cắt đứt liên lạc, nếu chúng tôi không thành vợ thành chồng thì cuộc đời không còn ý nghĩa gì để sống”.
Để làm giàu
Trại phong Ba Sao được chuyển về Hà Nam từ năm 1969, từ đó đến nay người ta cũng đã lập thành một làng để sinh sống. Có an cư mới lạc nghiệp, và bệnh nhân phong không chỉ đứng lên chống chọi bệnh tật, họ còn phấn đầu làm giàu một cách chân chính.
Bà Trần Thị Thọ tăng gia nuôi thỏ.
Nhà bà Trần Thị Thọ ngoài ngôi nhà Trại phong cấp cho còn xin thêm một mảnh vườn nho nhỏ để nuôi gà và thỏ. Bà Thọ cho hay: “Gà tôi chỉ nuôi 50 con lấy trứng, thỏ thì nuôi nhiều, thỏ thịt thỏ giống có hết. Mỗi năm cũng bán đi tích cóp mua được vài chỉ vàng”.
Nhà bà Đoàn Thị Nhâm lại khác, trong khoảnh vườn nhỏ um tùm cây chỉ nuôi ong lấy mật. Hàng trăm thùng gỗ tự chế do chính bà làm trở thành những “tổ” ong lớn, mỗi năm đem lại vài chục triệu đồng từ việc bán mật và sáp.
Phía rìa làng phong có một gia đình nuôi hàng trăm con lợn là nhà ông Nguyễn Văn Thanh. Ông Thanh hôm nay ra ngoài mua cám, ở nhà chỉ có vợ và con gái đang cạo sắn nấu rượu. Rượu được bán ra ngoài với giá hữu nghị, bã rượu phục vụ nuôi lợn. Ấy thế mà lợn lớn nhanh như thổi. Bà Thanh bảo: “Cuối năm xuất chuồng 50 con, 50 con còn lại để sau tết”. Ở làng phong này, nhà ông Thanh coi như là tỷ phú. Nói vui vậy, chứ thực chất tiền ông bà phải gửi về quê cho các cháu ăn học.
Và cố sống như người bình thường
Ông Phan Minh Tân, Phó Giám đốc Trại phong Ba Sao cho hay: “Nhờ tuyên truyền mà người dân đã hiểu và ít kỳ thị người bệnh phong. Tuy nhiên, bản thân bệnh nhân lại tự kỳ thị mình, xa lánh xã hội. Tự họ coi mình là con hủi, là mầm mống bệnh tật. Có những người cả đời chẳng bao giờ bước chân ra khỏi cổng trại”.
PV với vợ chồng cụ Tô Ngọc Vân – Đoàn Thị Sòi.
Đó là một thực tế đau lòng không chỉ diễn ra ở Trại phong Ba Sao mà ở tất cả các trại phong khác. Cụ Nguyễn Thị Đinh (101 tuổi) quê Nam Định tỉ mẩn: “Con cháu chẳng đứa nào đến thăm tôi, tôi cũng chẳng dám về thăm chúng. Thôi thì sống trại phong thì chết ở trại phong, ở đây mình cứ cố sống như người bình thường là vui và khỏe rồi”.
Bên kia giường là cụ Cao Thị Vinh (96 tuổi) cũng vọng sang: “Thỉnh thoảng có mấy đoàn từ thiện đến thăm, thấy họ hòa đồng thì chúng tôi vui mừng lắm. Tự nhiên thấy như mình không có bệnh”.
Trại phong chiều đông như càng lạnh thêm, lá cây trong vườn đang trút xuống những dãy đá nhô lên từ mặt đất. Một cụ già khập khiễng ra tiễn, tiếng cụ vọng ra: “Nhờ anh chuyển nhời đến đứa cháu, bảo nó gần tết nhớ đến thăm già này”.
“Trại phong Ba Sao hiện có 27 cán bộ, CNV phục vụ bệnh nhân. Lúc cao điểm, trại có đến 200 bệnh nhân. Điều kiện vật chất còn rất khó khăn, thiếu thốn. Các bệnh nhân được tiêu chuẩn cấp 360 nghìn đồng/người/tháng. Sự kỳ thị từ xã hội với bệnh phong bây giờ đã giảm đi nhiều, tuy nhiên các bệnh nhân vẫn rất mong muốn sự quan tâm, động viên và những cái cầm tay từ xã hội”.
Ông Phan Minh Tân (Phó Giám ốc Trại phong Ba Sao)
Trần Hòa