Lần lên bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch công tác, chúng tôi được bà Y Nhoong kể những chuyện lạ của người Ma Coong ở vùng núi non còn nhiều điều huyền bí này.
Chuyện thực – hư : Uống nước sôi… 100 độ
Lên công tác xã rẻo cao Thượng Trạch, hỏi những chuyện lạ của người dân tộc Ma Coong mà bấy lâu chỉ nghe qua lời kể của người miền xuôi, chúng tôi được ông Đinh Hợp, Chủ tịch xã giới thiệu đến người có uy tín bậc nhất của địa phương, bà Y Nhoong.
Khi chúng tôi đến nhà, thằng bé tầm 7 tuổi bảo bà Y Nhoong đang hái lá thuốc trên rẫy. Thằng bé bảo chỗ đó không xa và dẫn chúng tôi đi gặp bà Y Nhoong.
“Con gái mẹ khoảng vài ngày nữa thì sinh nên mẹ phải hái lá thuốc chuẩn bị trước cho nó”, bà Y Nhoong nói.
Hỏi lá thuốc bà hái trông giống lá me rừng, nhưng mình lá thon dài hơn một tí, bà cho biết đó là lá Cà Rởn (cây bà đẻ) có tác dụng tẩy trôi các chất bẩn trong người phụ nữ sau khi sinh, bồi bổ cơ thể họ để sớm trở lại nương rẫy.
Khi chiếc A Chói đã đầy ắp lá Cà Rởn, bà và thằng bé dẫn chúng tôi trở lại nhà. Trên sàn nhà được lót bởi những tấm gỗ tạp đã cũ kỹ, đen bóng mồ hôi người, bà Y Nhoong ngồi xếp bằng, trầm ngâm kể lại câu chuyện sinh nở của người phụ nữ Ma Coong.
“Mẹ không biết người Ma Coong tìm ra lá cây Cà Rởn từ bao giờ, nhưng khi sinh nở đứa con đầu tiên cách đây hơn 40 năm, mẹ đã được người thân cho uống nước lá cây này”.
“Cách đây 3 năm, Cà Rởn vẫn là thứ thuốc duy nhất dùng cho phụ nữ Ma Coong sống giữa núi rừng Trường Sơn sau sinh nở.
3 năm lại đây, người phụ nữ ở vùng này đã biết đến những phương thuốc khác của người đồng bằng. Song, Cà Rởn vẫn tiện lợi nhất do điều kiện về xuôi sinh nở còn nhiều khó khăn”, bà Y Nhoong bộc bạch.
Bà Y Nhoong, người phụ nữ dân tộc Ma Coong uy tín bậc nhất ở xã rẻo cao Thượng Trạch.
Tuy nhiên, còn một bí kíp khác mà chỉ có người Ma Coong mới nắm giữ. Đó là việc uống nước lá thuốc phải khi đang sôi sùng sục trên bếp, thuốc mới phát huy tác dụng cao nhất.
Theo bà Y Nhoong, không giống như người Kinh, phụ nữ Ma Coong sau sinh chỉ 3 ngày là có thể đi tắm suối và trở lại với công việc nương rẫy bình thường.
Có được sức khỏe như vậy là nhờ vào một số lá cây rừng, trong đó đặc biệt có lá cây Cà Rởn.
Theo đó, sản phụ ngay sau khi sinh con và được xông phây, họ phải uống ít nhất 70 lít nước lá thuốc đang sôi sùng sục này.
Việc uống diễn ra thường liên tục trong 3 ngày 3 đêm, mà không được nghỉ ngơi, ngoại trừ một số ít thời gian tranh thủ cho con bú.
Khi chúng tôi bày tỏ ý muốn được xem điều này, bà Y Nhoong lắc đầu, cười hiền: “Người Ma Coong chỉ biết nói sự thật.
Nhưng vì chỉ có người ruột thịt với người phụ nữ mới sinh mới được phép vào chỗ nằm ngồi của họ. Do đó, kể cả bây giờ bản đang có người mới sinh, các nhà báo cũng không vào đó được!”.
Nghe điều nửa tin nửa ngờ, nhưng sau này khi chúng tôi đem điều muốn hỏi trò chuyện với ông Nguyễn Diều, một người Kinh làm cán bộ lâu năm ở xã Thượng Trạch, ông nói chắc như đinh đóng cột :
“Đúng đấy các chú! Tôi tò mò nên một lần nhìn lén họ qua kẽ hở bức vách nhà sàn đã thấy đúng như vậy. Bao năm nay, tôi vẫn tò mò tại sao người phụ nữ Ma Coong có thể uống được nước sôi 100 độ, nhưng vẫn chưa biết được bí kíp này”.
Người Ma Coong uống rượu cần với khách quý.
Đêm trời cho
Người Ma Coong sống rải rác ở 18 bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn tỉnh Quảng Bình, dọc theo biên giới giáp với nước bạn Lào.
Nhưng cứ vào lễ hội đập trống hàng năm (ngày 16 tháng giêng âm lịch), người Ma Coong từ trẻ đến già lại tề tựu về bản Cà Roòng 1, khu vực trung tâm xã Thượng Trạch để vui hội.
Bà Y Nhoong kể: “Lễ hội đập trống của người Ma Coong hình thành, phát triển nên từ một truyền thuyết.
Truyền thuyết ấy kể rằng, từ thuở xa xưa, người Ma Coong đã rất siêng năng làm nương rẫy, nhưng hễ đến lúc thu hoạch, lại bị con khỉ có chiếc trống thần cướp mất.
Con khỉ bằng cách đánh trống là ngay lập tức những hạt lúa, hạt ngô từ trên ruộng rẫy đua nhau chạy về nhà khỉ.
Vì vậy, con người đã tìm cách lấy chiếc trống thần đó và cũng bằng cách đánh trống để cầu hạt lúa, hạt ngô về đầy nhà mình!”
Trên thực tế, người Ma Coong phải làm trống hàng năm hoặc vài năm một lần khi chiếc trống đã hư, không sử dụng được nữa.
Để làm được cái trống hội chắc, bền, những trai tráng trong bản phải vào rừng kiếm cho được cây gỗ Bộp để làm tang trống.
Bởi vì gỗ này có ưu điểm vừa nhẹ, bền, vừa không bị nứt nẻ, cong vênh do mưa, nắng, thời gian tác động. Có tang trống rồi, cần phải có mặt trống.
Mặt trống thường được làm bằng da bò để khi đánh nó phát ra thứ âm thanh to, ấm, vang xa, lại lâu bị vỡ. Lễ hội nhờ đó diễn ra lâu mới vui!
Lễ hội đập trống của người Ma Coong còn có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng được bình yên, con người sống ấm no, hạnh phúc.
Điều đặc biệt nữa, trong lễ hội này, người nào đánh vỡ được mặt trống là người may mắn nhất! Bởi theo quan niệm của bà con, người này sẽ được Giàng (ông trời) giúp đỡ có được nhiều sức khỏe và của cải.
Ngoài ra, người đó nếu là đàn ông chưa vợ sẽ được lựa chọn một người phụ nữ đẹp nhất chưa chồng trong đêm hội để cùng nhau bày tỏ tình cảm riêng tư và yêu đương. Trường hợp người đó là phụ nữ chưa chồng cũng sẽ được làm điều tương tự!
Lễ hội đập trống cũng là dịp để trai, gái người Ma Coong chưa vợ, chưa chồng tình nguyện và chủ động tìm hiểu nhau, yêu nhau đắm say trong đêm trăng sao vằng vặc mà không bị bố mẹ, gia đình, người thân ngăn cấm.
Đây được gọi là “đêm trời cho”, mỗi năm chỉ có một lần của những đôi trai gái trước đó chưa hề quen biết, hoặc có quen biết nhưng chưa từng tìm hiểu, yêu đương nhau vậy!”.
Chị Y Nang và 2 đứa con ở bản Cà Roòng 1.
Tục ăn uống kỳ lạ
Bà Y Nhoong bảo con dâu thịt gà đãi khách. Khi bữa cơm dọn ra, chúng tôi lễ phép mời bà và những thành viên trong gia đình cùng ngồi dùng bữa. Thế nhưng điều kỳ lạ, trong suốt bữa cơm, họ đều không đụng đến thịt gà.
Thấy chúng tôi có ý thắc mắc, bà Y Nhoong khẽ giải thích, đó là phong tục của người Ma Coong, rằng khi khách lạ, khách quý lần đầu tiên đến nhà, gia chủ thết đãi các món ăn ngon thì mọi người trong gia đình đều không được ăn món ăn ngon đó.
Bởi lẽ từ xa xưa đến nay, người Ma Coong quan niệm rằng, nếu người trong gia đình cùng ăn thì gia chủ và khách sẽ gặp phải sự bất hòa, rạn nứt tình cảm.
Khi về, chúng tôi đem sự việc kể với anh Nguyễn Trường Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch. Anh Chinh từng có 10 năm công tác ở xã miền núi này, xác nhận phong tục kể trên của người Ma Coong.
“Tôi làm việc, ăn ở, gắn bó với bà con đã nhiều năm nên tôi hiểu khá rõ tính cách và phong tục tập quán của họ.
Đời sống của đồng bào dân tộc Ma Coong ở đây còn gặp nhiều khó khăn, nhưng họ không vì thế mà làm việc xấu nhằm có cái ăn, cái mặc.
Đặc biệt bà con quan niệm cái ăn thể hiện lòng tự trọng của con người. Dù nghèo đói, bà con vẫn không bao giờ đi xin ăn.
Vậy nên, từ hàng chục năm qua, khắp 18 bản làng người Ma Coong sinh sống, chưa bao giờ xảy ra sự việc túng quẫn làm liều, vì đói ăn, khát uống mà đi ăn cắp, ăn trộm của người khác.
Trẻ em người Ma Coong khi lớn lên đã sớm được người lớn răn dạy những điều nên và không nên làm; việc phải tuân thủ tuyệt đối những quy định của dân tộc mình tồn tại, chọn lọc và phát triển qua bao thế hệ”.
Trở lại tục ăn uống của người Ma Coong, bà Y Nhoong cho biết thêm, bên cạnh việc không được ăn cùng món ăn ngon với khách lạ, khách quý lần đầu tiên đến nhà, việc kiêng cữ trong ăn uống khi ngồi chung mâm với một số người trong gia đình cũng là một phong tục vô cùng quan trọng.
Theo đó, con dâu, con rể nếu ăn chung với bố, mẹ bên chồng, hoặc bên vợ hay anh rể, anh, em bên vợ…, mà một trong số họ đã dùng trước món ăn nào đó trên mâm thì những người còn lại tuyệt đối không được ăn món ăn đó.
Theo quan niệm của người Ma Coong, nếu không tuân thủ phong tục này thì mọi người sẽ bị mất đoàn kết, các thành viên trong gia đình sẽ thường xuyên cãi vã nhau, không được ấm êm, hạnh phúc.
Ông Trần Tiến Sỹ, Phó Bí thư Huyện ủy Bố Trạch chia sẻ: “Tôi có nhiều năm công tác, gắn bó với người Ma Coong, điều mà tôi đặc biệt trân quý ở họ là tính cách chất phác, ngay thẳng, sự nghĩa tình và lòng hiếu khách.
Người Ma Coong từ bao đời nay luôn sống trong sự đoàn kết, thuận hòa, bảo bọc che chở lẫn nhau, chia sẻ với nhau từng niềm vui, nỗi buồn, sự sướng, khổ.
Cách đây 10 năm, tôi lúc đó đang công tác ở UBND xã Thượng Trạch. Một hôm, tôi và các đồng chí trong Ủy ban vào thăm bản Nịu cùng với đoàn công tác xã hội từ thiện từ dưới miền xuôi lên.
Do số gạo đoàn mang lên hỗ trợ chia đều cho nhiều bản trên địa bàn xã nên bản Nịu có vài chục hộ dân được nhận, mà không đủ cho tất cả bà con”.
Thế nhưng, khi vừa nhận gạo và mang nó ra khỏi sân Ủy ban, già làng Đinh Mỳ đã ngồi bệt, mở bao gạo mà mình được nhận, trút 1/2 bao sang một cái bao trống mang theo sẵn.
Rồi tự ông mang bao gạo đó sang cho nhà Đinh Thiên ở bên kia quả đồi.
Hỏi chuyện, ông cười hiền, bộc bạch rằng, vì mình biết nhà Thiên đã hết gạo ăn từ nhiều ngày qua rồi!”, ông Sỹ kể lại một câu chuyện cảm động về tình làng nghĩa xóm của người Ma Coong ở Thượng Trạch.
Phan Thanh Bình (Theo CAND)