“Buông” dao mổ là lao vào... võ đường!
Đúng 5h30, tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, các bác sĩ cởi áo blouse, khoác lên mình trang phục võ thuật để bắt đầu giờ luyện võ. Nhìn những đường võ điêu luyện, nếu không được giới thiệu, hoặc trong không gian khác, khó có thể nghĩ, những “võ sĩ” kia lại là những bác sĩ - những người vừa rời buồng bệnh, bàn phẫu thuật hoặc cầm dao mổ xong.
Vừa rời buồng bệnh, các y bác sĩ đã trở thành những "võ sĩ". |
BS Nguyễn Trạch Dân, Phó Giám đốc Bệnh viện, đồng thời cũng là người phụ trách lớp võ thuật cho biết: Lớp võ được thành lập đã 8 năm. Nhân sự của bệnh viện là 300 người, và lớp võ luôn có khoảng 150 võ sinh.
Thấy tôi ngạc nhiên trước con số vừa nêu, BS Nguyễn Trạch Dân cười: “Mới đầu, còn đông hơn nữa, vì võ sinh nữ khá nhiều. Đến nỗi, võ sư đến dạy “choáng”. Nhưng sau chị em không theo được vì vất vả, chủ yếu còn lại nam giới”.
BS Nguyễn Trạch Dân cho hay, lớp học định kỳ vào thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, từ 5h30 cho tới 7h30. Mới đầu, thì có võ sư Đào Văn Mạnh ở Hà Nội về hướng dẫn, nhưng giờ, các bác sĩ tự tập vì theo BS Nguyễn Trạch Dân là đã “đạt trình độ đẳng cấp rồi” (cười).
Không có tinh thần khoẻ trong cơ thể yếu
Có nhiều ý kiến nghi ngại, việc học võ sẽ ảnh hưởng tới công việc của các bác sĩ. Nhất là với các bác sĩ ngoại khoa, đôi bàn tay rất quan trọng. Việc học võ có thể làm đôi tay bị chai sạn, mất đi những “nhạy cảm” cần có. Trả lời cho băn khoăn này, BS Nguyễn Trạch Dân khẳng định: “Không hề ảnh hưởng gì. Bạn có tin không, những bác sĩ giỏi nhất của bệnh viện chúng tôi lại chính là những người võ giỏi nhất”.
Giải thích cho điều có vẻ “lạ lùng” này, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chia sẻ: “Thực tế cho thấy, những người học giỏi võ thì cũng học các môn khác cực tốt luôn”.
BS Nguyễn Trạch Dân bổ sung thêm: “Tôi biết ở Bệnh viện Bạch Mai, rồi Bệnh viện Lão khoa, đều có bác sĩ vừa giỏi võ, đồng thời chuyên môn cũng cực giỏi. Bản thân tôi cũng là bác sĩ ngoại khoa, nhưng việc học võ không ảnh hưởng gì tới công việc, mà còn làm công việc của tôi tốt hơn". "Tôi nhớ Bác Hồ có câu: Không thể có một tinh thần khoẻ mạnh trong một cơ thể ốm yếu”, ông Phạm Văn Học tiếp lời.
“Tám năm qua chúng tôi chưa đánh ai”
Việc bác sĩ học võ cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, những ý kiến phản đối cho rằng, mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân không phải là mối quan hệ đối kháng. Trước băn khoăn của tôi, cả BS Nguyễn Trạch Dân và ông Phạm Văn Học đều khẳng định: Trong tám năm, từ khi lớp võ được thành lập đến nay, chúng tôi, các bác sĩ của bệnh viện chưa hề đánh ai.
Ông Phạm Văn Học cho biết thêm, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương là nơi đầu tiên tổ chức cho các bác sĩ học võ. Mục đích ban đầu, chỉ là để rèn luyện cho các bác sĩ. Nhưng khi tình trạng bạo hành y tế, việc các bác sĩ bị đánh ngày càng nhức nhối, thì đây có thể coi là cách để các bác sĩ tự bảo vệ cho mình.
Dù thuần thục các ngón võ, và không ít lần gặp các tình huống bị đe dọa, nhưng các bác sĩ chưa hề đánh ai trong gần chục năm kể từ khi lớp võ được thành lập. |
“Việc có những ý kiến trái chiều, khen chê là đương nhiên, tùy vào các suy nghĩ, lập luận của mỗi người. Chúng tôi không thanh minh. Chỉ có điều, chúng tôi học võ không phải để đánh nhau, mà để học cái đạo trong võ”, ông Phạm Văn Học chia sẻ.
Ông Học lập luận, giả sử, nếu coi việc học võ là đi ngược, làm trái y đức, thì thử hỏi ngày xưa, rất nhiều các môn võ được sáng lập và gìn giữ, phát triển từ các nhà tu hành, trong các ngôi chùa, vậy chẳng nhẽ, họ cũng làm trái đạo đức, vi phạm giáo lý nhà Phật?
Thái độ quan trọng hơn trình độ
Là người đứng đầu một bệnh viện, đồng thời cũng là một luật sư, theo ông Phạm Văn Học, trong lúc hệ thống pháp luật dường như chưa đủ răn đe đối với những kẻ bạo hành nhân viên y tế thì mỗi y bác sĩ, nhân viên y tế phải tự bảo vệ mình. Và việc học võ cũng là một cách, tuy nhiên, đó chỉ là phần “ngọn”.
Điều quan trọng, theo ông chính là thái độ của nhân viên y tế. “Tôi cho rằng, đối với các nhân viên y tế thì thái độ quan trọng hơn trình độ. Bởi trình độ là cái ở bên trong, liên quan tới rất nhiều thứ, cả quá trình học tập của mình, người ta không nhìn thấy. Nhưng thái độ là cái bộc lộ ra ngoài và người ta có thể đánh giá được ngay.
Để ý thì thấy, những vụ bạo hành y tế thường xảy ra ở phòng cấp cứu và nó liên quan tới ứng xử của nhân viên y tế chứ không liên quan tới trình độ. Hầu hết những người đã đến bệnh viện là mang theo những căng thẳng về tâm lý. Người bệnh nặng thì lo tới tính mạng, còn người bệnh nhẹ thì lo cho sức khoẻ. Nhưng cả hai đối tượng này đều lo về tài chính. Vậy thì khi gặp nhân viên y tế có thái độ ôn hòa, lập tức tâm trạng của họ sẽ dịu đi.
"Thái độ quan trọng hơn trình độ", việc học võ giúp điều chỉnh sự cân bằng về cảm xúc, khiến các y bác sĩ giữ được "thái độ" tốt khi tiếp xúc với bệnh nhân. |
Đến phòng cấp cứu, ai cũng muốn mình được ưu tiên. Nhưng chỉ có y bác sĩ mới biết, trường hợp nào cần giải quyết trước, trường hợp nào sau. Có trường hợp, rên la tưởng sắp chết đến nơi, nhưng thực ra lại nhẹ. Ngược lại, có trường hợp không nói gì lại nguy hiểm. Lúc đó, nhân viên y tế cần phải có lời giải thích với người nhà bệnh nhân.
Việc giải thích là rất quan trọng, vì nó sẽ làm người nhà bệnh nhân hiểu, thông cảm và có cảm giác được quan tâm, chia sẻ. Chứ đừng im lặng, không nói một lời, sẽ khiến họ hiểu lầm mình thờ ơ, vô cảm, hoặc do “ăn tiền” mà làm cho bệnh nhân khác trước”, ông Phạm Văn Học chia sẻ.
Và theo ông Phạm Văn Học, thái độ này thì không cứ là bệnh viện công hay tư, nhân viên y tế đều có thể làm được. Chứ cũng không nên đổ tại bệnh nhân quá đông mà không thể. Vì thực tế, có những lúc, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cũng quá tải, nhưng mọi người vẫn thực hiện tốt điều này.
BS Nguyễn Trạch Dân cho hay, thực tế cho thấy, từ khi học võ thì các bác sĩ đã kiềm chế tinh thần tốt hơn, đối xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bình tĩnh hơn. Sức khoẻ cũng nâng cao hơn rất nhiều. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết rất tốt. Đó là ba lợi ích lớn từ việc bác sĩ học võ.