GS.TS Mai Trọng Khoa và PGS.TS. Đỗ Quốc Hùng, nguyên trưởng phòng C7, Viện Tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai (trái) là bệnh nhân chữa trị thành công nhờ thụ hưởng kết quả của đề tài.
Diệt tế bào ung thư, che chắn tế bào lành
GS.TS Mai Trọng Khoa cho biết, nhóm tác giả đã sử dụng kỹ thuật hiện đại có sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và điều trị ung thư và một số bệnh lý khác. Cụm công trình chia thành hai mảng là chẩn đoán và điều trị gồm 5 nhóm gồm Sử dụng kỹ thuật PET CT để chẩn đoán phát hiện ung thư và bệnh Alzheimer; Sử dụng các kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài bằng máy xạ trị gia tốc có gắn với máy PET CT mô phỏng để điều trị ung thư;
Sử dụng kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gama quay để điều trị u não nguyên phát và thứ phát và một số các bệnh lý sọ não như u màng não;
Sử dụng kỹ thuật cấy hạt phóng xạ I125 để điều trị ung thư tuyến tiền liệt và phương pháp xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ I90 để điều trị ung thư gan nguyên phát và thứ phát;
Sử dụng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ để điều trị ung thư và sử dụng một số đồng vị phóng xạ để điều trị một số bệnh lý khác.
Bệnh nhân được điệu trị tại Trung tâm y học hạt nhân và U bướu bằng dao gama quay.
GS.TS Mai Trọng Khoa cho biết, nhóm tác giả đã làm chủ nhiều công nghệ điều trị ung thư, đây là công nghệ tiên phong ở Việt Nam và các nước trong khu vực, chỉ có 10 quốc gia trên thế giới làm chủ được công nghệ này.
Công nghệ này đặc biệt có thể chiếu những chùm tia bức xạ một cách chính xác vào vùng tổn thương và che chắn một cách tối đa nhất các vùng lành xung quanh. Nghĩa là tiêu diệt khối u một cách cao nhất và các tổ chức lành xung quanh được bảo vệ một cách tối đa nhất.
Hiệu quả điều trị sẽ tăng cao, biến chứng xạ trị thấp hơn rất nhiều, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tăng lên rất nhiều, thời gian nằm viện ngắn hơn. Ví dụ ung thư thực quản không thể mổ.
Nếu sử dụng các công nghệ thông thường thì có thể diệt được khối u, nhưng các cơ quan xung quanh sẽ bị tổn thương. Bây giờ làm sao để đưa các chùm bức xạ chiếu đúng vào vị trí khối u, nhưng che tối đa các vùng xung quanh, tránh cho bệnh nhân các cuộc phẫu thuật lớn, bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường.
Với những khối u không thể phẫu thuật như ở thân não, có thể sử dụng xạ phẫu bằng dao gama quay, nghĩa là sử dụng các chùm tia bức xạ nhiều hướng khác nhau hội tụ vào một điểm.
Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sau Hoa Kỳ có công nghệ này. Với những trường hợp trẻ em và người già không thể phẫu thuật. Không có công nghệ này, bệnh nhân sẽ tử vong. Đã có 4000 bệnh nhân được cứu sống nhờ công nghệ này, đem lại hiệu quả điều trị cao.
Công nghệ nữa là sử dụng các hạt vi cầu phóng xạ đưa vào các động mạch. Hạt vi cầu này phủ đồng vị phóng xạ với một mức năng lượng vừa đủ để gây tắc các mạch máu nuôi tế bào gan, làm xơ hóa các mạch máu và đồng thời diệt tế bào ung thư một cách chọn lọc.
GS.TS Mai Trọng Khoa và các đồng sự tại Bệnh viện Bạch Mai
Hoặc đối với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, sẽ được cấy các hạt phóng xạ vào trong lòng tuyến tiền liệt mà không cần qua phẫu thuật.
Các hạt phóng xạ I 125 được lưu lại vĩnh viễn trong đó đủ để diệt được tế bào ung thư, các tế bào lành không bị ảnh hưởng. Khỏi bệnh, nhưng mọi chức năng sinh lý của đàn ông vẫn giữ nguyên, không xảy ra hiện tượng liệt dương.
Thoát “án tử” nhờ công nghệ hiện đại
GS.TS Mai Trọng Khoa Khoa có giới thiệu với chúng tôi một bệnh nhân đặc biệt. Chúng tôi tìm gặp PGS Đỗ Quốc Hùng, nguyên Trưởng phòng C7 Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai).
Ông Hùng cho biết, cách đây 5 năm khi đang chơi tennis thì ông thấy ho nên đi chụp phim và làm PetCT thì phát hiện đã bị ung thư phổi di căn giai đoạn cuối, có một khối u ngực bên phổi trái. Thời gian sống tình bằng tuần. Sau nhiều lần hội chẩn toàn bệnh viện, ông được GS Mai Trọng Khoa nhận về khoa điều trị.
“Ngay từ lần điều trị đầu tiên, sau khi truyền các loại hóa chất xong tôi thấy cơn ho cắt ngay. Tôi truyền 6 đợt hóa trị, tiếp đó GS Khoa cho truyền thuốc điều trị tế bào đích, xét nghiệm về biến đổi gen dương tính, tức là tôi thích hợp với thuốc điều trị đích.
Sau đó 6 tháng sau chụp lại PET CT khối u còn lại nhỏ xíu, đó là một sự thần kỳ, rất thần kỳ. Thần kỳ ở chỗ tất cả chỗ di căn không thấy còn dấu vết gì, tôi còn nhớ trước kia đi căn lên xương sườn nhưng vết đấy không còn, chỉ còn duy nhất khối u trên phổi trái còn rất nhỏ như tổn thương thứ phát, giống như cái sẹo”.
Sau 2,5 năm, ông Hùng lại bắt đầu lại có hiện tượng đau vùng xương hông. Chụp PET CT thì phát hiện ung thư di căn xuống vùng xương chậu và cột sống. Đau đến mức ông chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn.
Sau đó ông lại được dùng hóa chất và xạ trị kết hợp. Sau 6 tháng nữa kiểm tra lại PET CT, các khối u còn lại xu hướng tổn thương rất ít và cũng đặc biệt ở cùng xương chậu không còn, hết đau, đi lại bình thường, thậm chí ông còn đi tập gym bình thường.
Nhưng sau đó, mắt ông lại bị mờ. Đi khám thì phát hiện bong võng mạc do một khối u trên não đè ép nhãn cầu gây ra. Sử dụng thêm kỹ thuật cao là Gama tức dùng kỹ thuật sử dụng tia Gama cắt khối u đi. Sau 2 tuần mắt ông dần dần bình phục thị lực. Giờ ông vẫn đọc sách, lái ô tô bình thường.
Tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng
Từ những kết quả đó, nhóm tác giả đã làm chủ công nghệ và ứng dụng thành công ở Việt Nam. Đào tạo được nguồn nhân lực các bác sỹ, kỹ sư, kỹ thuật viên, điều dưỡng, đến nay có hàng ngàn ngàn bệnh nhân được hưởng lợi từ công nghệ này và chưa có bất kỳ một ca biến chứng nào. Chuyển giao một số công nghệ kỹ thuật trong cả nước giúp bệnh nhân ở xa cũng được thụ hưởng.
GS.TS Mai Trọng Khoa cho biết, từ cụm công trình này, nhiều bệnh nhân đã không phải ra nước ngoài điều trị với giá thành thấp hơn rất nhiều lần. Vì thế, tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn cho xã hội.
Ví dụ, 1 lần xạ phẫu bằng dao gama quay trên u não, ở Hoa Kỳ có thể phải trả 25.000 USD nhưng ở Việt Nam thì chỉ phải trả 2000 USD. Với 4000 ca điều trị, chúng tôi ước tính rằng có thể tiết kiệm được so với ra nước ngoài vào khoảng 1900 tỷ đồng.
Các kỹ thuật này hiện nay được bảo hiểm đồng chi trả. Nghĩa là những người làm việc bình thường nhất, không cần có thu nhập cao, vẫn có thể tiếp cận với công nghệ này. Công nghệ cao được sử dụng cho những người lao động bình thường.
Làm việc, cống hiến hết mình không phải để nhận giải thưởng mà chỉ với mục đích làm thế nào để đưa những công nghệ tiên tiến nhất cứu giúp người bệnh, GS.TS Mai Trọng Khoa chia sẻ, tất cả các nước phát triển trên thế giới ông đã đi hết, nhưng không nước nào như Việt Nam, nghèo không có tiền chữa bệnh. Làm thế nào để người nghèo cũng có thể thụ hưởng công nghệ cao là điều ông luôn trăn trở để thực hiện cho bằng được.
Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” gồm một khối lượng rất lớn các sản phẩm khoa học với 167 công bố, trong đó có 154 bài báo trong nước, 13 bài báo quốc tế, 11 báo cáo tại các Hội nghị quốc tế; 10 quyển sách gồm 3 sách chuyên khảo, 2 sách tham khảo, 3 giáo trình và 2 sách hướng dẫn. Các kỹ thuật mới, hiện đại về bức xạ ion hóa được nhóm tác giả lần đầu tiên nghiên cứu làm chủ, thích nghi, triển khai ứng dụng sáng tạo, thành công, đạt hiệu quả cao trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý nội tiết, sa sút trí tuệ, bệnh lý sọ não… tại Việt Nam.
Tô Hội