BSCKII Ngọc Diệp cho biết thêm: “Đây là nhận thức chưa đúng đắn. Nếu cha mẹ hiểu được đây là giai đoạn vô cùng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, họ sẽ để tâm hơn rất nhiều. Mặc dù đã có nhiều chương trình truyền thông giáo dục về dinh dưỡng, nhưng các bậc phụ huynh Việt vẫn còn khá nhiều hạn chế trong hiểu biết và thực hành các vấn đề dinh dưỡng, năng lượng và vận động cho trẻ ở giai đoạn 10 năm phát triển vàng”.
Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng cho trẻ từ 5 - 15 tuổi. Đây là giai đoạn trẻ có sự chuyển hóa vượt bậc về thể chất, não bộ và hành vi. (Ảnh minh họa) |
Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, kết quả tổng điều tra dinh dưỡng những năm gần đây cho thấy Việt Nam có tỷ lệ đáng kể trẻ bị thừa cân béo phì ở độ tuổi học đường. Nguyên nhân chính là do chế độ ăn chưa cân đối, thừa năng lượng và đạm nhưng thiếu vi chất, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh và chế biến sẵn.
Ngoài ra. còn tồn tại tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng đáng quan ngại trong bối cảnh đời sống kinh tế và bữa ăn của người Việt đã tốt hơn trước đây. Những con số này nói lên hiện trạng đáng lo ngại về dinh dưỡng cho lứa tuổi học đường ở nước ta cũng như bất cập trong phương pháp chăm sóc trẻ.
Nhiều nghiên cứu mới nhất tại Thụy Sỹ, 5 - 15 tuổi là giai đoạn trẻ có sự chuyển hóa vượt bậc về thể chất, não bộ và hành vi. Trong khoảng thời gian này, trẻ có thể phát triển tối đa các kỹ năng về nhận thức, phát triển cơ xương, khả năng miễn dịch, não bộ.