Một số người ít có thời gian nấu ăn ở nhà, thay vào đó là ăn ở nhà hàng, đặc biệt ở khu vực thành thị, ngày càng phụ thuộc vào siêu thị, cửa hàng bán đồ ăn nhanh, thức ăn đường phố. Một sự kết hợp của chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và lối sống ít vận động đã khiến tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ này không chỉ ở các nước phát triển, mà còn ở các nước thu nhập thấp.
Hiện nay, trên thế giới có trên 800 triệu người đang bị đói, trong khi đó thì có tới trên 670 triệu người lớn và 120 triệu trẻ em bị béo phì và trên 40 triệu trẻ em bị thừa cân. Có trên 150 triệu trẻ bị thấp còi và 50 triệu bị gầy còm. Chế độ ăn uống không lành mạnh cùng với lối sống ít vận động là nguyên nhân quan trọng gây lên tử vong. Tỷ lệ tử vong này đã lớn hơn cả nguyên nhân do hút thuốc, đồng thời tỷ lệ tử vong do tình trạng thừa cân và béo phì còn cao hơn cả do đói. Nhiều hình thức suy dinh dưỡng có thể cùng tồn tại ngay trong một gia đình và ngay cả ở mỗi cá nhân trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi năm mất khoảng 2 nghìn tỉ đô la để điều trị các vấn đề sức khỏe do béo phì gây ra. Chế độ ăn uống không lành mạnh hiện là nguy cơ đầu tiên dẫn đến tử vong do các bệnh không lây nhiễm (NCD) như các bệnh về tim mạch, tiểu đường và một số loại ung thư.
Ở Việt Nam, theo kết quả của cuộc điều tra năm 2017 – 2018 tại 75 trường (với đối tượng nghiên cứu là học sinh tiểu học, THCS và THPT) thuộc 25 xã/phường của TP Hà Nội, TPHCM và tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng cho thấy có sự tồn tại đồng thời cả hai thái cực về suy dinh dưỡng là thiếu cân và thừa cân béo phì ở trẻ em, có sự khác biệt theo vùng. Trẻ em ở vùng nông thôn có tỷ lệ suy dinh dưỡng (thể thiếu cân, chiều cao thấp) cao hơn ở thành phố, ngược lại thì thừa cân béo phì tập trung cao ở vùng thành thị, đồng thời cấp học càng thấp thì tỷ lệ thừa cân béo phì càng cao.
BS. Nguyễn Tiến Tuấn (Viện Dinh dưỡng QG)