Kỹ năng nghề của giáo viên còn yếu
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại sự thách thức cho các nền kinh tế khi mà các ngành nghề ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ và kỹ thuật cao.
Từ đây, vai trò của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) lại càng quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, GDNN còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác tuyển sinh.
Theo ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 1, ngoài những nguyên nhân khách quan như việc mở rộng quy mô của các trường đại học, tâm lý chuộng bằng cấp, quá trình phân luồng giáo dục … thì có một nguyên nhân chủ quan từ chính các cơ sở GDNN. Đó là còn xa rời thực tiễn sản xuất.
Trong đó, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của GDNN. Nhiều giáo viên, giảng viên dạy nghề nhưng chưa giỏi nghề. Điều này xuất phát từ lý do đa số giáo viên, giảng viên được tuyển dụng là các sinh viên khá, giỏi từ các trường Đại học. Sau một thời gian ngắn tập sự, họ liền trực tiếp tham gia giảng dạy, do đó kỹ năng “nghề” còn rất yếu.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quy định về chế độ làm việc của nhà giáo GDNN (Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH). Theo đó, mỗi năm giáo viên phải dành 4 tuần thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, triển khai quy định này còn nhiều lúng túng, việc phối hợp giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng thời gian thực tế nghề nghiệp của các giáo viên còn chưa tốt.
Nhiều giáo viên đi thực tế chỉ mang tính hình thức, chỉ nhằm đảm bảo hoàn thành thời gian theo quy định.
Ngoài ra, sự xa rời thực tế còn thể hiện ở cơ cấu ngành, nghề đào tạo của các trường. Có những ngành nghề hiện không còn hoặc còn rất ít nhu cầu đào tạo từ xã hội. Tuy nhiên, việc tuyển mới giáo viên vấp phải rào cản từ lượng lớn giáo viên hiện đang dư thừa từ các ngành, nghề cũ không còn nhu cầu đào tạo.
Tiến tới 100% giáo viên có kỹ năng nghề cao hơn 1 bậc so với người học
Đánh giá về vai trò của giáo viên đối với GDNN, ông Trần Văn Nịch, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, đội ngũ nhà giáo GDNN là yếu tố quyết định phát triển sự nghiệp GDNN. Hiện tại, tỷ lệ nhà giáo vừa dạy được lý thuyết vừa dạy được thực hành thấp (khoảng 51%). Đây là một thách thức lớn của đội ngũ nhà giáo trong việc đáp ứng yêu cầu đổi mới GDNN khi mà yêu cầu có ít nhất là 65% giáo viên ở các trường cao đẳng và 60% giáo viên ở trường trung cấp vừa phải dạy được lý thuyết vừa phải dạy được thực hành (dạy tích hợp).
Ông Nịch cho biết, trong định hướng phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN giai đoạn 2010 - 20125, tất cả nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở GDNN phải có trình độ từ đại học trở lên. Trong đó nhà giáo dạy trình độ cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm khoảng 70%.
Đặc biệt, 100% nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề cao hơn 1 bậc so với kỹ năng nghề của người học sau khi tốt nghiệp.
Tại trường Cao đẳng xây dựng số 1, để nâng cao chất lượng giáo viên của GDNN, ông Hoàn cho biết, một trong những giải pháp được áp dụng là phân công giáo viên đi thực tế nghề nghiệp. Khuyến khích các giáo viên đăng ký đi thực tế.
Sau khoảng thời gian 3 năm thực hiện triển khai công tác thực tế nghề nghiệp, các giáo viên bước đầu xây dựng được mối quan hệ với doanh nghiệp, có thêm các kỹ năng nghề nghiệp. Có giáo viên đã tạo thêm thu nhập ngay từ trong quá trình đi thực tế và trở thành cộng tác viên chuyên môn lâu dài với các doanh nghiệp.
Những nội dung giáo viên đi thực tế đã góp phần làm sinh động bài giảng, thực tế hóa những nội dung lý thuyết, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.