Nhiều doanh nghiệp vẫn mạnh tay chi cổ tức khủng dù nguồn tín dụng bị siết

Trong bối cảnh khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng và eo hẹp dòng tiền, nhiều doanh nghiệp lại quyết định chi cổ tức bằng tiền ở mức cao cho cổ đông.

Mới đây nhất là trường hợp trả cổ tức khủng của Phốt Pho Apatit Việt Nam (PAT) khi vào ngày 19/12, PAT chốt danh sách cổ đông chia cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 100%.

Trước đó, ngày 16/8, PAT đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền cũng với tỷ lệ 100% cho các cổ đông. Như vậy, tổng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 của PAT là 200% bằng tiền (tương ứng 20.000 đồng/cổ phiếu). Đây là tỷ lệ cổ tức đáng mơ ước của các cổ đông không chỉ ở thời điểm thị trường lao dốc hiện nay mà còn cả trong điều kiện bình thường.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý gần nhất của PAT có thể được xem là đẹp. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng hết sức lạc quan khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gấp 5 lần lên 867 tỷ đồng, lỗ hoạt động đầu tư giảm gần một nửa, trả nợ gốc vay hơn 555 tỷ đồng; chi phí lãi vay chỉ tương đương hơn 60% cùng kỳ, tiền và tương đương tiền cuối kỳ là hơn 7 tỷ đồng, gần gấp đôi thời điểm này năm ngoái.

Tuy nhiên có một diễn biến gây nhiều bất ngờ xuất hiện trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong kỳ của PAT. Cụ thể tại ngày 30/9, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm tới hơn 285 tỷ đồng (tăng hơn 5 lần) và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 624,3 tỷ đồng (tăng hơn 6 lần) dẫn tới lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 42,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2,5 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp chi cổ tức khủng vào cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp chi cổ tức khủng vào cuối năm.

Ngày 27/10 vừa qua, Nhựa Bình Minh (BMP) đã chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức lần 1 năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 31%, tức một cổ phiếu sẽ được nhận được 3.100 đồng, ngày thanh toán vào 1/12.

Với hơn 81,86 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Nhựa Bình Minh sẽ chi 253,76 tỷ đồng để trả cổ tức. Quyết định chi cổ tức khủng của Nhựa Bình Minh diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Công ty hồi phục mạnh mẽ sau ảnh hưởng của Covid-19.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thuần của Công ty đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng 4,48 lần, đạt 447,8 tỷ đồng, cao hơn kết quả thực hiện năm 2018 (427,6 tỷ đồng) và năm 2019 (422,7 tỷ đồng).

Lý giải về kết quả tích cực này, Nhựa Bình Minh cho biết, giá nguyên liệu nhựa giảm trong khi giá bán vẫn giữ nguyên đã giúp lợi nhuận tăng mạnh. Theo kế hoạch, Nhựa Bình Minh sẽ dùng trên 50% mức lợi nhuận sau thuế của năm 2022 để trả cổ tức.

Ấn tượng nữa là Tập đoàn Bảo Việt (BVH) sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 30,261% bằng tiền mặt vào ngày 28/12/2022. Tuy nhiên, sau việc trả cổ tức khủng này, BVH gần như hết sạch lợi nhuận chưa phân phối tính đến hết năm 2021.

Là lĩnh vực được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuối năm nhưng với kết quả tích cực 9 tháng đầu năm, May Sông Hồng (MSH) cũng đã quyết định chi tạm ứng cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Theo đó vào ngày 23/12, Công ty dự chi hơn 187,5 tỷ đồng (chiếm hơn một nửa lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm) trả cổ tức đợt 1 năm 2022, tương đương 1 cổ phiếu nhận được 2.500 đồng.

Một tin vui dành cho cổ đông nhóm “cổ phiếu vua” là sau ba năm liên tiếp không chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã bắt đầu khởi động lại hình thức phân phối lợi nhuận này.

Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng Quốc tế VIB (VIB) cho biết sau khi kết thúc năm tài chính 2022, ngân hàng sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình đại hội đồng cổ đông vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu phương án này được đại hội thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, dự kiến VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu cổ đông có thể nhận 3.500 đồng cổ tức.

"Con số 35% này có thể cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022", đại diện VIB chia sẻ.

Trước đó, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng đã công bố ý định chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.

Cuối buổi đại hội cổ đông năm 2022, chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đã gây bất ngờ cho các cổ đông còn nán lại họp đến phút chót bằng thông báo có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt: "Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà Hội đồng quản trị dự kiến từ năm sau sẽ trình Đại hội Cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm".

Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Trước đó, ngân hàng này mới chỉ trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.

Tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.

Theo Anh Nhi/Vietnam Daily
back to top