GÓC NHÌN: Thị trường chứng khoán 2024 có khởi sắc?

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô quý 4/2023 và nhận định năm 2024 cho thấy vẫn có những thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Kinh tế Việt Nam quý 4/2023 tiếp tục xu hướng phục hồi từ các động lực tăng trưởng kinh tế như: Đầu tư công tăng tốc; Vốn FDI đăng ký mới và giải ngân vào Việt Nam gia tăng; Thặng dư thương mại cao tạo thuận lợi ổn định đồng nội tệ; Sản xuất công nghiệp và Xuất nhập khẩu phục hồi theo từng quý; Khách quốc tế duy trì đà tăng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng từ sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới vẫn đang gây ra nhiều khó khăn đối với kinh tế Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Khu vực sản xuất tăng thấp so với giai đoạn trước đại dịch, hoạt động doanh nghiệp gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng nội địa chững lại.

Cho năm 2024, Agriseco Research kỳ vọng các yếu tố như đầu tư công, vốn FDI và các chính sách hỗ trợ kích thích tiêu dùng của Chính phủ sẽ là các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 khoảng 6 - 6,5%, cao hơn đáng kể so với mức thực hiện 5,05% của năm 2023, đồng thời tiếp tục duy trì lạm phát ổn định khoảng 4 - 4,5%.

Chung khoan 2024: Nhung yeu to thuan loi va kho khan

Theo đánh giá của Agriseco Research, các chỉ tiêu trên cho thấy cả những thuận lợi và khó khăn đối với thị trường chứng khoán.

Trong đó, thuận lợi là tốc độ tăng trưởng kinh tế 2023 khởi sắc, quý sau cao hơn quý trước nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ và kích cầu tiêu dùng.

Kết quả kinh doanh quý 4/2023 của các doanh nghiệp dự kiến sẽ hồi phục rõ nét hơn so với mức nền thấp cùng kỳ. Một số ngành dự kiến tăng trưởng về lợi nhuận so với quý 4 năm ngoái như nhóm chứng khoán, vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng...

Một số chính sách đã được thông qua ở kỳ họp của Quốc hội và dự kiến triển khai giai đoạn tới như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, gia hạn giảm 2% thuế VAT, bổ sung nguồn ngân sách đầu tư công trung hạn... được kỳ vọng thẩm thấu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 2024, tạo ra cơ hội đầu tư với những nhóm ngành liên quan.

Đồng thời, môi trường lãi suất duy trì thấp sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tín dụng được đẩy nhanh hơn các tháng cuối năm và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% trong năm 2024 (cao hơn chỉ tiêu 2023 là 14%) sẽ là một dấu hiệu giúp các doanh nghiệp có điều kiện gia tăng quy mô, doanh thu hoạt động.

Đầu tư công được kỳ vọng tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng chính trong năm 2024 sẽ giúp nhiều ngành hưởng lợi trong đó nổi bật như nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng, xây dựng. Tuy nhiên, cần lưu ý câu chuyện đầu tư công mang tính kỳ vọng và sẽ chưa phản ánh vào kết quả kinh doanh 2023 của các doanh nghiệp khi khá nhiều những doanh nghiệp nhóm này có báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng âm.

Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam dự báo tăng trưởng tích cực trước xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Vốn FDI giải ngân năm 2023 đã đạt mức cao nhất trong 5 năm qua kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi, đặc biệt là tại các khu vực thu hút vốn FDI lớn.

Tuy nhiên, Agriseco Research cũng cho rằng vẫn còn những khó khăn như khu vực sản xuất, xuất khẩu mặc dù có sự cải thiện nhưng nhìn chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng. Kết quả kinh doanh nhiều nhóm ngành tiếp tục thua lỗ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp. PMI tháng dưới 50 điểm trong 5 tháng liên tiếp. Những yếu tố này làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư về sức bật hồi phục trong năm 2024.

Kim ngạch xuất khẩu tuy có sự hồi phục nhưng vẫn chậm so với kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến triển vọng kết quả kinh doanh trong năm 2024. Tổng hợp dự báo tăng trưởng GDP tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu hầu hết đang kỳ vọng giảm tốc trong năm 2024 có thể làm giảm động lục hồi phục với các nhóm ngành xuất khẩu liên quan.

Tình hình vĩ mô quốc tế đang diễn biến phức tạp, Fed duy trì mặt bằng lãi suất cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, áp lực suy thoái tại nhiều quốc gia. Những yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Theo Đời sống
Chủ tịch Vinahud đăng ký mua 20% vốn VHD

Chủ tịch Vinahud đăng ký mua 20% vốn VHD

Ông Trương Quang Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Vinahud (UPCoM: VHD), vừa đăng ký mua gần 7,7 triệu cổ phiếu VHD, tương đương 20,22% vốn điều lệ Vinahud, với mục đích "đầu tư cá nhân".
back to top