Chứng khoán lao dốc, cơ hội hay rủi ro?

Ngày 15/4, chứng khoán lao dốc, giảm mạnh nhất trong gần 2 năm qua, VN-Index rơi hơn 62 điểm. Đến phiên ngày 17/4, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm, xuống 1.193,01 điểm, mất mốc 1.200 điểm. 

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư tại FIDT, phân tích nguyên nhân thị trường chứng khoán giảm mạnh, nhận định cơ hội, cũng như rủi ro đối với nhà đầu tư.

Nguyên nhân chứng khoán liên tục lao dốc

Thưa chuyên gia, như chúng ta thấy, từ đầu tuần đến nay, chứng khoán liên tục lao dốc, nguyên nhân là gì?

Các phiên gần đây, chứng khoán liên tục giảm mạnh như phiên chiều 15/4, VN-Index rơi hơn 62 điểm, giảm mạnh nhất trong gần 2 năm qua hay phiên 17/4, VN-Index tiếp tục giảm tới 22,67 điểm, mất mốc 1.200 điểm.Vấn đề này không có gì mới và có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, số liệu GDP và PMI cho thấy nền kinh tế phục hồi nhưng chưa quá mạnh và vững chắc. Hai cấu thành của nền kinh tế là tiêu dùng (chiếm tỷ trọng cao trong GDP) và đầu tư tư nhân chưa tăng mạnh, vững chắc. Trong khi đó, GDP phục hồi trong quý I tốt lại đến từ đầu tư công và xuất nhập khẩu. Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, để thực sự vững chắc và mạnh, phải đợi các quý tiếp theo. Trong khi đó, thị trường chứng khoán cuối tháng 3/2024 tăng hơn 13%.

Thứ hai, sự phục hồi của nền kinh tế như vậy cho thấy, chứng khoán đang có dấu hiệu đi trước những chỉ số vĩ mô, các yếu tố cơ bản về phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh ấy, thị trường xuất hiện những rủi ro ngắn hạn, trong đó quan trọng nhất là áp lực tỷ giá.

Gần đây nhất, tỷ giá trong hệ thống ngân hàng đã tiệm cận biên trên. Khi USD liên tiếp lập đỉnh, nhà đầu tư dễ lo lắng Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp mạnh để điều tiết như bán ngoại tệ dự trữ hay tăng lãi suất. Khi đó, một trong hai hành động này, nếu có, đều tác động tiêu cực đối với thị trường chứng khoán.

Nếu Ngân hàng Nhà nước bán USD từ dự trữ ngoại hối với số lượng lớn, có thể tác động làm tăng lãi suất huy động, hay tăng lãi suất điều hành, sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Nó sẽ gây áp lực lên thị trường chứng khoán.

Từ phân tích trên, tôi cho rằng, có hai mấu chốt khiến thị trường chứng khoán lao dốc. Thứ nhất, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng khá cao trong 3 tháng đầu năm, đi trước sự phục hồi của nền kinh tế. Thứ hai, xuất hiện rủi ro ngắn hạn có thể tác động rất mạnh đối với thị trường chứng khoán, trong đó có vấn đề tỷ giá. Ngoài ra, gần đây, nhiều tin tức ảnh hưởng tâm lý thị trường. Nhiều sự kiện cùng lúc ủng hộ cho một đợt điều chỉnh của thị trường.

Bên cạnh đó, phiên giảm điểm cũng xuất hiện lệnh MP (lệnh mua tại mức giá bán thấp nhất hoặc bán ngay lập tức tại mức giá mua cao nhất trên thị trường) ồ ạt là điều dễ giải thích. Chứng khoán đã có chu kỳ tăng trưởng kéo dài với nhiều cổ phiếu tích lũy thị giá rất tốt, giúp nhà đầu tư lãi đậm. Ngay khi thị trường rung lắc, nhóm này sẵn sàng đánh đổi vài phần trăm lợi nhuận để “thoát hàng” cho bằng được, vì tính chung, hiệu suất danh mục của họ vẫn ở mức cao, đạt kỳ vọng.

Từ những phân tích trên, ông có thể dự báo về xu hướng VN-Index trong ngắn hạn?

Dự báo chính xác về xu hướng VN-Index trong ngắn hạn rất khó. Tôi kỳ vọng vùng hỗ trợ của chỉ số này sẽ trong khoảng 1.160 - 1.180 điểm với nhiều cổ phiếu được chiết khấu về mức định giá bắt đầu hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.

Đợt điều chỉnh lần này sẽ không tệ như đầu quý IV năm ngoái, vì dù sao kinh tế đã tốt lên, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện. Tôi kỳ vọng thị trường sớm xuất hiện nhịp hồi trong một số phiên tới.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư tại FIDT.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư tại FIDT.

Cơ hội hay rủi ro?

Đối với nhà đầu tư, biến động của thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây là cơ hội hay rủi ro, thưa ông?

Như đã phân tích, thứ nhất, phải nhìn vào yếu tố ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, vấn đề tỷ giá rất quan trọng và hiện chưa giải quyết được. Do đó, rủi ro ngắn hạn với các nhà đầu tư vẫn còn.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào dài hạn, khi nền kinh tế phục hồi và doanh nghiệp đang niêm yết sẽ tạo ra lợi nhuận, thì rõ ràng, 2024 vẫn được kỳ vọng là năm phục hồi tốt của nền kinh tế, mang lại những kỳ vọng phục hồi tăng trưởng lợi nhuận. Do đó, các yếu tố về mặt dài hạn vẫn tốt cho thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh này, thị trường sẽ giữ được tăng trưởng dài hạn nhưng trong ngắn hạn phải đối mặt những đợt điều chỉnh và nhiều rủi ro. Theo phân tích này, trong ngắn hạn, các đợt điều chỉnh là cơ hội cho nhà đầu tư mua mới cổ phiếu đã bỏ lỡ trong những đợt sóng vừa qua.

Nhà đầu tư không nên hoảng loạn, bán đuổi trong các phiên giảm điểm mạnh, cần giữ tâm lý ổn định. Đồng thời, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua ngắn hạn một số cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tiếp tục giảm nhanh về vùng hỗ trợ mạnh trong thời gian gần tới.

Xin cảm ơn ông.

Thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm

Phiên ngày 17/4, chỉ số VN-Index giảm tới 22,67 điểm, tương đương 1,86%, xuống 1.193,01 điểm. VN30-Index mất gần 22 điểm (1,78%), xuống 1.210 điểm. HNX-Index và UPCOM-Index cùng chốt phiên dưới tham chiếu.

Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 21.400 tỷ, trong đó sàn HoSE chiếm hơn 89%. Mức này giảm trên 12.000 tỷ so với phiên trước. Cuối phiên, toàn sàn HoSE có 348 mã giảm, 137 mã tăng và 57 mã đi ngang. Thanh khoản khớp lệnh ở mức rất thấp, đạt 17.025 tỷ đồng.

Trong VN30, ngân hàng đứng đầu nhóm ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số. BID, CTG giảm 4%, SHB, TPB, MBB, VPB mất 3%, STB, VIB, HDB thấp hơn tham chiếu quanh ngưỡng 2%. Với những nhóm khác, GVR giảm trên 5%. Còn BCM, VJC, SSI mất 2% thị giá.

Với nhóm bất động sản, nhiều cổ phiếu rớt mạnh như VIC giảm 3,02%, NVL giảm 4,44%, PDR giảm 3,95%, DIG giảm 4,32%, NLG giảm 3,31%, KBC giảm 3,59%, DXG giảm 5,38%, CII giảm 3,25%,IJC giảm 3,21%, DPG giảm kịch sàn… Một số ít cổ phiếu ngược dòng, tiêu biểu là VPI tăng 1,08%, SZC tăng 1,82%, QCG tăng kịch trần.

Trước đó, thị trường chứng khoán cuối phiên chiều 15/4 bị bán tháo mạnh. Mức giảm của thị trường được đánh giá là mạnh nhất trong gần 2 năm, kể từ tháng 5/2022, khi VN-Index rơi hơn 62 điểm. Tháng 8/2023, đợt giảm sâu nhất năm cũng mới ghi nhận mức sụt 55,49 điểm.

Theo VietnamDaily
Chủ tịch Vinahud đăng ký mua 20% vốn VHD

Chủ tịch Vinahud đăng ký mua 20% vốn VHD

Ông Trương Quang Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Vinahud (UPCoM: VHD), vừa đăng ký mua gần 7,7 triệu cổ phiếu VHD, tương đương 20,22% vốn điều lệ Vinahud, với mục đích "đầu tư cá nhân".
back to top