Vụ án Tân Hoàng Minh, hiện HĐXX TAND TP Hà Nội đang trong thời gian nghị án dài ngày, dự kiến đưa ra phán quyết với Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – ông Đỗ Anh Dũng, cùng 14 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào chiều 27/3.
Đáng chú ý, trong bản luận tội, đại diện VKSND Hà Nội nêu rõ, 9 gói trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành là trái pháp luật nên cơ quan công tố này đề nghị TAND Hà Nội tuyên các hợp đồng mua, bán trái phiếu là vô hiệu.
Các bị cáo trong vụ án. |
Theo đại diện VKSND, việc mua bán trái phiếu là quan hệ dân sự. 9 gói trái phiếu mà Tân Hoàng Minh phát hành là vi phạm pháp luật nên bị vô hiệu, giao dịch dân sự giữa các bị hại và tập đoàn là vô hiệu. "Hợp đồng vô hiệu nên các điều khoản trong hợp đồng đều vô hiệu"- đại diện VKSND nhấn mạnh và cho rằng sẽ không tính lãi với các giao dịch đó.
Hiện cơ quan tố tụng đang tạm giữ hơn 8.600 tỷ đồng, gồm: gần 3.000 tỷ đồng thu hồi trong quá trình điều tra và hơn 5.600 tỷ đồng do bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng gia đình tự nguyện nộp. Số tiền này đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Căn cứ khoản 2 điều 47 và khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự (về việc trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt cho chủ sở hữu), đại diện VKS đề nghị xử lý để bồi thường cho các bị hại.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu ý kiến về quyền lợi nhà đầu tư trong vụ án trên cho biết, trong quá trình tố tụng, nếu bị cáo hoặc người thân thích của bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho người bị hại, người bị hại được nhận tài sản ngay trong quá trình tố tụng.
Trường hợp bị cáo không bồi thường trực tiếp cho người bị hại mà lại nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng thì phải chờ đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Lúc này, cơ quan thi hành án mới có quyền căn cứ vào nội dung của bản án để thi hành đối với phần dân sự trong bản án hình sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, chỉ khi nào xác định được bị cáo phạm tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật, xác định bị cáo có gây thiệt hại cho người bị hại, xác định rõ phần trách nhiệm của từng bị cáo và xác định mức thiệt hại của từng người bị hại, khi đó mới có căn cứ để thi hành bản án, buộc người phạm tội phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho các nạn nhân.
Theo luật sư Cường, đối với các giao dịch dân sự, kinh tế mà được xác định là vô hiệu, có gian dối khiến cho một bên bị xử lý hình sự, quyền và nghĩa vụ trong các giao dịch đó bị hủy bỏ, người phạm tội trong trường hợp này phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Thiệt hại của người bị hại trong vụ án hình sự có thể là số tiền đã nhận của nạn nhân và thiệt hại khác phát sinh (nếu có).
Luật sư Cường nhấn mạnh, chỉ có những quan hệ dân sự hợp pháp, quyền và nghĩa vụ của các bên mới được thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận trước đó. Với những hợp đồng vay tài sản hoặc hợp đồng đầu tư mà hợp pháp, lãi suất và lợi nhuận mới được pháp luật thừa nhận và bên có nghĩa vụ phải thanh toán theo thỏa thuận.
Còn nếu thông qua hợp đồng vay tài sản hoặc hợp đồng đầu tư để một bên gian dối chiếm đoạt tài sản của bên kia, bị cáo (người chiếm đoạt tài sản) phải chịu hình phạt và phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt, ngoài số tiền đã chiếm đoạt. Nếu người bị hại có căn cứ chứng minh còn có những thiệt hại khác phát sinh thì xuất trình chứng cứ để tòa án xem xét.
Nếu người bị hại bị lừa do bị cáo đưa ra lãi suất cao để vay tiền, đưa ra lợi nhuận không tưởng để đầu tư, đây là thủ đoạn gian dối, không phải là căn cứ để yêu cầu thanh toán số tiền "bánh vẽ" này, bởi những thông tin này là phương thức thủ đoạn phạm tội chứ không phải là thỏa thuận dân sự hợp pháp.
“Bồi thường thiệt hại bao nhiêu, bồi thường cho ai, trách nhiệm của từng bị cáo thế nào thì phải chờ phán quyết của hội đồng xét xử, Trong vụ án phức tạp như thế này, có nhiều bị hại, có nhiều bị cáo, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, việc xác định thiệt hại là bao nhiêu, tài sản nào là của bị cáo để có thể sử dụng bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, tài sản nào là của doanh nghiệp. Trách nhiệm của bị cáo đến đâu, trách nhiệm của doanh nghiệp, của những người khác đến đâu, mức bồi thường cho từng người bị hại đối với từng bị cáo như thế nào? là vấn đề tương đối phức tạp mà tòa án phải xem xét kỹ lưỡng để quyết định trong bản án hình sự”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Căn cứ và nội dung về phần dân sự trong bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật, người bị hại mới có quyền yêu cầu thi hành án để thu hồi tài sản hợp pháp chính đáng của mình trong vụ án này.
Theo khoản 2 điều 131 Bộ luật Dân sự quy định, khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Như vậy, nếu tòa án xác định giao dịch trái phiếu giữa nhà đầu tư và Tân Hoàng Minh là vô hiệu, các bị cáo sẽ phải hoàn trả số tiền (gốc) mà các nhà đầu tư (đã bỏ ra để mua trái phiếu.
Trong vụ án Tân Hoàng Minh, để bảo vệ quyền lợi của mình, người bị hại cần xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo (thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản), có quyền đề xuất mức hình phạt đối với bị cáo và đề nghị về bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Người bị hại có quyền tham dự phiên tòa và trình bày ý kiến của mình trong phần trình bày, phần tranh luận và khi hội đồng xét xử cho phép. Được quyền đưa ra chứng cứ tài liệu đồ vật, được quyền đối đáp theo quy định của pháp luật.
Nếu bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại thì người bị hại có quyền kháng cáo để đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem lại phần dân sự có liên quan đến mình trong bản án hình sự của vụ án này.
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, căn cứ vào bản án đó, người bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại, nếu bị cáo không bồi thường hoặc đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ, vào cơ quan thi hành án hoặc có tài sản được niêm phong kê biên để đảm bảo thi hành án thì người bị hại, người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án căn cứ vào luật thi hành án để thi hành đối với phần quyền lợi của mình.
Căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật xác định tổng giá trị tài sản đang niêm phong, kê biên, phong tỏa, thu giữ; căn cứ vào tổng số người bị hại, tổng số tiền phải bồi thường khắc phục hậu quả, cơ quan thi hành án sẽ tính toán để bồi thường theo quy định của pháp luật về thi hành án, đảm bảo công bằng, công khai và đúng pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bị bắt vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Hòa thượng “dởm” khai gì?