Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, kết quả siêu âm cho thấy vùng cổ bé có tụ mủ, dịch mủ lan ra thành sau họng. Một dị vật đâm vào ống động mạch đốt sống cổ của bệnh nhi.
Chị T.L (30 tuổi, mẹ bệnh nhi) cho biết, trước đó bé H. ăn cơm với cá kho. Sau đó, đột nhiên bé đau cổ và ho sặc sụa. Tại một cơ sở y tế, các bác sĩ chẩn đoán mảnh xương đã xuống dạ dày. Đau họng do tổn thương trầy xước.
2 ngày sau, bé H. vẫn đau nên vào lại bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm họng.
Theo BSCKII Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, ổ áp xe quá lớn, có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Nếu vỡ, máu và dịch mủ có thể tràn vào đường thở và phổi. Bên cạnh đó, mảnh xương có thể đâm thủng động mạch gây chảy máu khó cầm, nguy cơ tử vong rất cao.
Bệnh nhi được gây mê, mổ nội soi, xử lý ổ áp xe và tìm xương cá dài 2cm. Hiện, bệnh nhi đang được theo dõi phòng ngừa nhiễm khuẩn, tụ mủ, nuôi ăn bằng ống.
1 tháng trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã tiếp nhận một bé hóc xương tương tự nhưng nằm ở vị trí nguy hiểm. Các bác sĩ phải mổ đến lần thứ ba mới phát hiện dị vật.
Theo các khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, khi trẻ bị hóc xương, gia đình không tìm cách móc dị vật ra ngoài, vô tình đẩy sâu mảnh xương vào trong. Cũng không nên áp dụng các phương pháp dân gian truyền miệng như vuốt cổ, nuốt cơm nguội …