Việc dùng giấy báo để gói thực phẩm là là điều rất dễ gặp, nhất là tại các quán bán xôi ở vỉa hè. Có thể vì rẻ và tiện nên rất nhiều các quán bán xôi thường dùng báo in để gói luôn những túi xôi nhỏ để bán cho khách mua mang đi. Điều này tưởng chừng hết sức bình thường nhưng nó lại gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là khả năng nhiễm chì rất cao, theo khuyến cáo của các chuyên gia.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều thông tin cảnh báo về vấn đề này nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại khá nhiều trong đời sống hàng ngày.
Theo Chất lượng Việt Nam, chì là kim loại rất quen thuộc với chúng ta, đó là kim loại mềm, dễ uốn, dễ kéo dài, có khả năng chịu được mài mòn, chống ăn mòn, ngăn cản sự xuyên qua của những tia bức xạ, tia phóng xạ.
Do các ưu điểm đặc trưng như vậy nên chì được ứng dụng rộng rãi trong các ngành chế tạo sơn, làm đồ thủy tinh, làm gốm, tráng men, mực in, sản xuất đồ gia dụng… Tuy nhiên, chì lại được các cơ quan chuyên môn xác định là chất độc hại và rất nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe của con người.
Hợp chất của chì (Pb) trong mực in giấy báo là một chất độc hại, có thể gây biến đổi gen tác động đến quá trình di truyền của cơ thể; chì không bị phân giải trong nước, không bị ôxy hóa, do vậy khi đã xâm nhập vào cơ thể con người sẽ được các tổ chức như mỡ, não, gan… hấp thu và tồn trữ lại, rất khó bị thải loại.
Một nghiên cứu cho thấy, trong 1kg giấy sách báo chứa 0,1-1mg chất độc của chì, nếu cơ thể người chứa khoảng 0,5-2mg chất độc này sẽ có những biểu hiện nhiễm độc như phù mi mắt, ra mồ hôi bàn tay, buồn nôn hoặc nôn…
Thế nhưng vì mục đích lợi nhuận, có cơ sở sản xuất bò khô đã dùng giấy báo trải trên khay đựng thịt bò để cho vào lò say khô hoặc dùng giấy báo lót, đậy trên bàn để chứa thịt bò khô chờ đóng gói; phổ biến hơn, có nhiều cô bác bán hàng dùng giấy báo để gói bánh mì, chuối chiên, bánh chiên…
Hơn nữa, trước khi được dùng để gói thực phẩm, tờ báo đã trải qua nhiều khâu, từ nhà in, qua đường phố, đến tay bao người đọc và người thu gom. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều bụi, vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển.
Không chỉ giấy sách, báo mà giấy trắng cũng vô cùng độc hại, bởi trong quá trình sản xuất, không thể tránh khỏi việc sử dụng chất tẩy rửa. Chất tẩy rửa này, sau khi tiếp xúc với thực phẩm sẽ gây ra các phản ứng hóa học, kết quả là những chất gây hại lưu lại trên thực phẩm.
Khi chúng ta ăn phải những thức ăn được gói bằng giấy báo trong một vài lần thì không có gì đáng bàn, nhưng nếu việc đó được diễn ra một cách thường xuyên, liên tục thì chì và các hóa chất có trong mực in của giấy báo sẽ thâm nhập vào cơ thể, trước mắt nó chưa gây phản ứng rõ ràng nhưng nếu được tích lũy trong nhiều ngày, thì đến một thời điểm nào đó nó sẽ là tác nhân gây ngộ độc, thậm chí nguy hại đến tính mạng của chúng ta.
Theo bà Nguyễn Khánh Trâm – Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày 28-11-2005, Bộ Y tế đã có Quyết định số 39/2005/QĐ-BYT quy định: Thiết bị, dụng cụ chế biến bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm phải được làm từ nguyên liệu không độc, không gây mùi vị lạ so với mùi vị của thực phẩm ban đầu, không hấp thụ, không thôi nhiễm vào thực phẩm, không bị ăn mòn, tránh bụi, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác.
Nghiêm cấm việc đóng gói thực phẩm bằng các bao gói có nguy cơ gây ngộ độc, gây hại, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm như giấy báo, nhựa tái sinh… Hằng năm, Thanh tra Bộ Y tế vẫn tiến hành kiểm tra và xử phạt các cơ sở cá nhân vi phạm các quy định về sử dụng bao bì gây ô nhiễm thực phẩm trong quy định trên và Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên vì lợi ích kinh tế, nhiều cơ sở, cá nhân vẫn cố tình vi phạm về phía người tiêu dùng vì không thấy hậu quả tức thời, nên nhiều người dù biết vẫn tặc lưỡi cho qua.
Nhìn chung, các vật dụng bao gói thực phẩm được sử dụng phổ biến hiện nay ngoài giấy báo còn có hộp xốp, túi ni lon… đều có thể gây nguy cơ nhiễm các loại kim loại nặng độc hại, nếu như các cơ sở sản xuất ra chúng không thực hiện đảm bảo chất lượng an toàn. Thực tế hiện nay, đáng tiếc người dân vẫn sử dụng phổ biến các loại bao gói thực phẩm trên vì giá cả rất rẻ.
Theo suckhoegiadinh