3 trẻ sốc, co giật sau uống thực phẩm chức năng dạng oresol

Thay vì bù nước cho con bằng thuốc oresol theo đúng chỉ định của bác sĩ, phụ huynh lại cho con uống thực phẩm chức năng dạng oresol.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, loại TPCN này chỉ đóng gói dạng 10ml nhìn như thuốc, rất dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng; uống vào sẽ không giải quyết được tình trạng mất nước mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khoa Nhi (BV Bạch Mai) thời gian gần đây tiếp nhận một số trẻ nhập viện trong tình trạng mất nước độ 3, tụt huyết áp, tiền sốc, co giật.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân được xác định là do trẻ không được bù nước đúng cách khi bị tiêu chảy.

Theo lời kể của một người nhà bệnh nhi, đứa con 11 tháng tuổi của chị đang rất bụ bẫm, nhanh nhẹn nhưng chỉ sau hơn 1 ngày tiêu chảy thì môi nhợt, sốt, lả đi, chân tay lạnh ngắt.

Trước đó, ngày 14/5, hai mẹ con chị đều bị tiêu chảy, chị có ra hiệu thuốc mua men và nước điện giải để bù nước.

Hai mẹ con uống hết 1 chai và 4 – 5 gói pha với 200ml nước trong gần 3 ngày thì thấy con lả đi, môi nhạt. Con mỗi ngày đi ngoài khoảng hơn 10 lần, nhất là sau khi ăn, uống sữa đi rất nhiều toàn nước.

Gia đình vội đưa con vào viện cấp cứu, được chẩn đoán đoán mất nước độ 3 vì tiêu chảy cấp. Sau khi vào viện, trẻ vẫn tiếp tục sốt cao, co giật, và phải chọc dịch não tủy.

Ảnh minh hoạ.

Theo các bác sĩ, đây chỉ là 1 trong 3 bệnh nhi vào viện cấp cứu vì mất nước nặng do tiêu chảy cấp thời gian gần đây. Đáng nói, cả 3 cháu vào viện trong tình trạng sốt cao mất nước độ 3, tụt huyết áp, tiền sốc, co giật.

Cả 3 đều liên quan đến việc bù nước không đúng cách, bù nước bằng TPCN dạng oresol chứ không phải là thuốc oresol.

Trước đó không lâu, dư luận cũng đã từng xôn xao câu chuyện về một bệnh nhi sốt, tiêu chảy mất nước, đã được bác sĩ khám, kê đơn dung dịch bù nước điện giải và hướng dẫn bà mẹ về nhà cho bé uống, theo dõi triệu chứng. Tuy nhiên, bà mẹ lại ra hiệu thuốc mua một loại TPCN dạng oresol để bù nước, không rõ là loại gì.

Khi về nhà cho bé uống nhưng triệu chứng cứ xấu dần đi cho đến khi hoảng hốt phát hiện cháu lờ đờ không phản ứng. Trẻ vào viện trong tình trạng trụy tim mạch, không cứu được.

Đây là câu chuyện đau lòng cảnh báo đến tất cả các bậc cha mẹ không tự ý dùng thuốc, TPCN cho trẻ tránh hậu quả đáng tiếc.

Tuyệt đối không dùng TPCN dạng oresol để bù nước

Hiện nay trên thị trường xuất hiện một loại TPCN công thức y như Oresol – vốn dùng bù nước cho trẻ tiêu chảy, được đóng gói dạng 10ml và được quảng cáo tốt hơn cả Oresol thông thường.

Song theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, đây là liều lượng không đúng, dùng loại TPCN này sẽ ko giải quyết được tình trạng mất nước và dễ nguy hiểm tính mạng.

Với trẻ cần bù nước điện giải cần phải đúng cách, đúng liều lượng, nồng độ thích hợp nếu không sẽ gây tác dụng ngược.

PGS. Dũng thăm khám cho bệnh nhi điều trị tại khoa Nhi, BV Bạch Mai.

“Oresol vốn là một loại thuốc dùng cho trẻ em bị tiêu chảy, thường được đóng gói để pha thành dung dịch 1000ml, 500ml, 200ml nhằm phù hợp với lứa tuổi.

Đã uống Oresol là phải uống hàng trăm ml trở lên mới có tác dụng bồi phụ nước. Vậy mà loại TPCN này chỉ đóng gói dạng 10ml nhìn như thuốc, rất dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng.

Trong trường hợp trẻ em bị tiêu chảy, mất nước trầm trọng mà lại sử dụng loại TPCN này sẽ không giải quyết được tình trạng mất nước mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng”- PGS. Dũng cảnh báo.

Trên thực tế, các bác sĩ đã từng gặp nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng sốt, co giật, vật vã kích thích. Hỏi bệnh sử và khám, các bác sĩ phát hiện cháu bé bị tiêu chảy và được mẹ cho uống dung dịch Oresol nhưng pha sai nồng độ… Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong.

“Dù chưa thể khẳng định các cháu mất nước do dùng TPCN dạng oresol, nhưng các cháu bị mất nước nặng, trụy mạch đều liên quan đến cái này.

Vì thế, là một bác sĩ điều trị, tôi đề nghị có lẽ không nên cho sản xuất dạng này, bởi rất nguy hiểm cho trẻ con do người ta nhầm lẫn tưởng TPCN dạng oresol cũng là thuốc oresol.

Bởi trẻ khi bị tiêu chảy, cần dùng oresol dạng thuốc. Nếu sản xuất, phải ghi chữ thật to kể người dân không nhầm lẫn. Hơn nữa, oresol dạng TPCN lại đắt hơn oresol thường, nên người ta dễ nhầm tưởng nó sẽ tốt hơn”- PGS. Dũng nói.

Cách dùng đúng Oresol cha mẹ nào cũng cần biết

Tại BV Nhi Trung ương cũng từng tiếp nhận bệnh nhân bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao).

ThS.BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu – Chống độc, BV Nhi Trung ương cho biết, tăng natri máu là dấu hiệu của mất nước trong tế bào, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng thần kinh nguy hiểm và có thể gây teo não.

Các triệu chứng thần kinh lâm sàng thường gặp gồm: mệt mỏi, rối loạn tri giác, hôn mê, co giật. Nguyên nhân dẫn tới việc tăng natri máu trong trường hợp này là do gia đình đã pha oresol không đúng cách.

Do đó, để dùng Oresol an toàn cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh đừng chủ quan với việc bù nước và điện giải cho trẻ.

Cần đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng… nếu hướng dẫn pha với 200 ml thì cần pha chính xác 200 vì như thế sẽ đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ, pha quá ít hay nhiều nước hơn cũng sẽ nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong 24h, bảo quản kĩ càng tránh nhiễm bẩn bởi lẽ, dung dịch có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu, điều này cũng gây nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Tuyệt đối không được chia nhỏ gói thuốc hoặc bẻ đôi viên thuốc rồi pha vì rất có thể các thành phần không đồng nhất và dễ gây nhầm lẫn thể tích khi pha. Không được đun sôi dung dịch đã pha vì khi đó sẽ làm mất các phẩm chất của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu.

Không pha với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ. Nên pha với nước lọc đun sôi để nguội.

Cha mẹ cần chú ý theo dõi các dấu hiệu triệu chứng của trẻ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào cần đưa con đến cơ sở y tế khám và xử trí kịp thời.

Theo SKĐS

Theo Đời sống
back to top