Ngộ độc muối tử vong do uống oresol không đúng cách

Bệnh viện Nhi TƯ vừa cấp cứu cho một bé 8 tháng tuổi bị rối loạn ý thức, li bì vì tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng được gia đình pha oresol không đúng cách cho bé uống. Thực tế không ít trẻ phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, thậm chí tử vong vì orerol. Tại sao như vậy?

Pha oresol cần pha đúng theo hướng dẫn

Đặc hoặc loãng đều phá hủy tế bào gây tử vong

Trả lời về việc bé 8 tháng tuổi bị tiêu chảy, gia đình cho uống oresol bù nước nhưng pha không đúng cách khiến bé gái hôn mê, mất nước nặng, rối loạn ý thức vừa được cấp cứu tại BV Nhi TƯ, ThS Lê Quốc Thịnh,Trưởng khoa Dược Bệnh viện TƯ 71 cho biết, đây không phải là trường hợp cá biệt. Thực tế có khá nhiều bà mẹ trẻ đã cho con uống oresol không đúng cách khiến con mình lâm vào tình trạng nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.

Trước đây, tại Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhi ngộ độc muối do người nhà cho bé uống oresol không đúng quy định. Bệnh nhân tử vong sau 18 giờ dù đã được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Nguyên nhân bệnh nhi bị tiêu chảy và nôn ở nhà từ hôm trước. Người mẹ đã cho bé uống hết hơn 3 gói oresol bằng cách pha từng ít một ra chén và cho trẻ uống liên tục vì thấy cháu vẫn khát. Đây chính là nguyên nhân làm cho cháu tử vong vì tiêu chảy mất nước ưu trương nặng do uống dung dịch oresol pha sai nồng độ. Lượng muối quá đậm đặc làm trẻ tử vong do phù não cấp tính nặng.

Tương tự, BS Yên Lâm Phúc, Giảng viên học viện quân y 103 cho biết, oresol không quá xa lạ và ai cũng thấy oresol thật dễ sử dụng: Mua về, xé gói bột, pha với nước, rồi uống. Nhưng thực chất đang có rất nhiều người pha sai cách và phải trả giá. Báo chí cũng đã đăng 1 bé trai 20 tháng bị co giật phải cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) chỉ vì mẹ cho uống oresol sai nồng độ.

Phân tích vì sao sai nồng độ lại dẫn tới nguy kịch, BS Yên Lâm Phúc cho biết, oresol khi dùng đúng sẽ giúp người bị tiêu chảy cân bằng được điện giải, tránh co giật. Khi tiêu chảy, người bệnh sẽ bị mất nước trầm trọng, người gầy rộc, sút cân ghê gớm. Bên cạnh đó là mất muối, giảm nhiều muối gây ra mất thăng bằng điện giải. Nước trong dung dịch oresol sẽ giúp bù vào lượng nước đã mất. Muối trong dung dịch giúp bù vào lượng muối đã mất. Nhưng tỉ lệ nước và muối trong dung dịch phải đạt theo chuẩn nhất định. Muốn đạt đúng tỉ lệ này thì người dùng phải pha đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nếu pha với ít nước hơn quy định thì người uống sẽ bị thừa muối thiếu nước khiến tế bào bị mất nước nhiều hơn. Hệ quả là tế bào teo lại, có thể nguy cho tính mạng. Nếu pha loãng hơn quy định thì người uống sẽ bị thừa nước, thiếu muối khiến nước tràn vào tế nào. Hệ quả là tế bào vị vỡ, bị ngộ độc và cũng đe dọa tính mạng. Ngoài ra, có rất nhiều người pha oresol để uống qua đêm, qua ngày. Trong nước có đường nên nếu để lâu rất dễ bị thiu khiến tình trạng tiêu chảy nặng thêm.

Pha oresol với nước đóng chai cũng nguy hiểm

ThS Lê Quốc Thịnh cho biết, oresol (Oral Rehydration Salts: ORS) có công thức gồm natri clorid, natri citrar, kali clorid và glucose. Một số nơi bào chế có thể thay natri citrat bằng natri hydrocarbonat. Gói thuốc bột oresol rất dễ hút ẩm và bị chảy nước, do đó được đóng trong túi nhôm, hàn kín, bảo quản ở nơi khô ráo. Tùy theo trọng lượng thuốc được hướng dẫn pha với 200, 500 hoặc 1 lít đun sôi để nguội rồi mới được uống dần từng ít một dung dịch đó trong ngày. Điều quan trọng này lại rất nhiều người quên. Khá nhiều bà mẹ trẻ đã pha gói thuốc không đúng cách, pha quá đặc, không đúng quy định nên trẻ con uống vào bị tăng áp lực thẩm thấu máu do nồng độ natri lên quá 150mmol/l gây phù não cấp tính.

Nhiều người đã không để ý đến điều quan trọng này mà lại pha gói thuốc dần từng ít một vào cốc, chén rồi uống hết đến đâu lại pha tiếp. Đây là kiểu dùng thuốc oresol rất nguy hiểm, không đúng cách và gây tử vong.

Có gia đình do không có dụng cụ đựng đủ một lít nước nên đã ra mua 1 chai nước khoáng 250 ml (1/4 lít) rồi dốc cả gói thuốc oresol vào chai, lắc đều và cho người bệnh uống từng ít một. Cách dùng này rất sai lầm vì chai nước khoáng bản thân nó cũng đã có một số chất khoáng, tức là đã có các ion kim loại. Hơn nữa, nó cũng không đủ hoặc thừa dung tích nên nồng độ dung dịch tạo ra không đúng quy định, rất đậm đặc. Khi bệnh nhân uống dung dịch này sẽ rất nguy hiểm.

Vì vậy tuyệt đối không được pha oresol với bất cứ dung dịch nước đóng chai nào. Chỉ được pha nó với nước đun sôi để nguội.

Uống đúng nhưng cẩn thận với người bị bệnh tim, gan, thận

ThS Thịnh lưu ý, thuốc bột oresol được dùng cho các trường hợp tiêu chảy mất nước nhưng đôi khi người ta vẫn dùng cho người không bị tiêu chảy nhưng ra nhiều mồ hôi, mất nước như đi dã ngoại, sau khi hành quân. Tuy nhiên, cần thận trọng với người bị các bệnh về tim mạch, gan, thận do thuốc có thành phần chất điện giải khá cao. Khi dùng oresol cho các trường hợp tiêu chảy nặng vẫn phải tiêm truyền dung dịch glucose đẳng trương 5%.

Người bệnh nên nhớ rằng oresol là thuốc bù nước và bổ sung chất điện giải. Một tình trạng thường xảy ra khi mắc bệnh tiêu chảy cấp hoặc ra mồ hôi nhiều. Do đó trong các bệnh tiêu chảy như tả, tiêu chảy cấp tính cần phải dùng các thuốc khác nữa như thuốc kháng sinh, thuốc chống độc, thuốc chống rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột… Vì vậy, khi bệnh nhân bị tiêu chảy cần phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để dùng thuốc đúng quy định.

BS Phúc nhấn mạnh, uống đúng cách oresol là uống như sau: Uống ngay khi bị tiêu chảy. Dung dịch này không gây hại với thuốc điều trị và không làm mầm bệnh lan rộng, nếu có. Đo đúng nồng độ nước. Mỗi lần pha nên pha hết cả gói, tránh chia đôi. Nguyên nhân là trong mỗi gói gồm đường và muối nghiền nhỏ dưới dạng bột. Nếu chia đôi thành 2 lần pha, bạn sẽ khó chia đường và muối làm 2 phần đều nhau. Điều này sẽ dẫn đến lần thì pha đặc, lần thì pha loãng.

Uống oresol dễ khiến người ta nôn trớ. Bởi vậy, nếu đang buồn nôn thì không nên uống vì sẽ không tác dụng. Chỉ uống khi thấy hệ tiêu hóa bình ổn. Giảm hiện tượng nôn trớ. Để tránh nôn tró, nên uống từng ngụm nhỏ, uống rải rác trong ngày. Chỉ để oresol đã pha trong ngày.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top