Thịt bò thối ngâm trong nước vôi
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM phối hợp cùng các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn và phát hiện 1.200 kg phụ phẩm bò đã bốc mùi được ngâm trong nước vôi. Theo đó, cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh phụ phẩm bò của bà Nguyễn Thị Xuân trên đường Nguyễn Thị Kiểu, phường Hiệp Thành, Quận 12, TPHCM. Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 1.200 kg phụ phẩm bò với 3 thùng nhựa lớn đựng sách bò đen, bốc mùi được ngâm trong nước vôi trắng đục cùng một máy trộn bê tông loại nhỏ được cắm điện sẵn bên cạnh; hàng chục kg tim bò, lòng bò và nhiều chân bò chưa cạo sạch lông nằm ngổn ngang trên nền nhà dơ bẩn. Bên cạnh đó, khi kiểm tra tủ đông, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều kg phổi, gan bò chảy dịch, bốc mùi hôi thối.
Trước đó, cũng liên quan tới việc truy quét thực phẩm bẩn tại TP.HCM, Đội quản lý thị trường quận Thủ Đức, phối hợp với Trạm kiểm dịch động vật quận Thủ Đức cùng Đội CSGT Rạch Chiếc cũng phát hiện một chiếc xe vận chuyển 28 thùng chứa phụ phẩm trâu bò gồm 114kg đuôi bò, 754kg chân, 627kg và 124kg tủy trâu bò tổng trọng lượng là 1.619kg. Toàn bộ số hàng trên đã chuyển màu và bốc mùi hôi thối.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, nội tạng bò, thịt bò nói chung được ngâm trong nước vôi trong về cơ bản để làm sạch những dịch bẩn, bùn đất bên ngoài, trông hình thức đẹp hơn, sạch hơn, còn về cơ bản thì vi khuẩn, nấm mốc, vi sinh vật phân hủy vẫn tồn tại bên trong. Ăn loại thực phẩm này đương nhiên là rước họa vào cơ thể. Việc nhận biết khi đã xào nấu chín rồi là rất khó bởi sau khi được ngâm tẩm làm sạch, người ta lại cho nhiều gia vị vào át hết mùi đi. Phải là người tinh ý thì mới nhận ra, nhưng trên bàn nhậu, đa phần thực khách đã ngà ngà say, việc nhận biết thực phẩm có mùi lạ là khó.
“Ngoài độc hại của nội tạng, thịt đã bị phân hủy thì nước vôi nếu không được làm sạch, hoặc ngâm lâu, rồi đem chế biến thì cũng sẽ tác động xấu đến tiêu hóa, thậm chí gây nôn mửa”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.
Ngửi để nhận biết
Với các bà nội trợ, việc mua nội tạng ngoài chợ sẽ dễ dàng nhận biết loại nào còn mới, loại nào đã cũ dựa vào những tiêu chí cảm quan ban đầu. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, nội tạng rất dễ bốc mùi nếu không được bảo quản đúng cách. Chỉ cần từ sáng đến trưa ở điều kiện nhiệt độ bình thường là đã bốc mùi thum thủm. Do đó, khi mua, chỉ cần đưa lên mũi ngửi, nếu còn mùi thơm, mùi tanh của tiết thì là nội tạng mới. Ngược lại, nếu đã được cấp đông, để lạnh, lại còn có mùi lạ, khó chịu, giống như mùi thịt thối thì tốt nhất không mua. Cũng như vậy, với các loại chân, móng, thịt… tươi, khi đưa lên mũi ngửi sẽ có mùi thịt đặc trưng, ngược lại, nếu đã để lâu, dù là để ướp lạnh, cũng sẽ bốc mùi lạ, khó chịu. Chỉ cần đưa lên mũi ngửi là biết ngay.
Khi đi ăn ở các nhà hàng, quán ăn, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm là rất khó. Do đó, chỉ ăn ở những địa chỉ nhà hàng, quán ăn uy tín, có đảm bảo chất lượng. Các loại thịt thối, hỏng này đa phần tiêu thụ ở các quán ăn bởi đó là nơi khó nhận biết, do vậy các cơ quan chức năng cũng phải tích cực kiểm tra, xử phạt nặng các cơ sở kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
“Rất khó để khuyên có nên ra quán ăn hay không bởi chắc chắn ai cũng hiểu ăn ở nhà là an toàn nhất. Nhưng nhu cầu đến quán ăn vẫn cứ đông vì nhiều lý do. Do đó, nếu làm thực khách, hãy thông minh chọn các món khó làm giả và đến các địa chỉ uy tín”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.
“Thịt thối, thịt đã phân hủy chỉ bị át mùi bằng các gia vị nặng như ớt, xả, gừng… Do đó, để an toàn thì nên chọn các món ăn ít cần đến gia vị chế biến, sẽ dễ nhận biết”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.