Virút bò điên khó tiêu diệt
Hôm 28/8, Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo phát hiện một trường hợp nhiễm virus bò điên tại bang Florida. Đây là trường hợp bò điên thứ 6 được phát hiện tại Mỹ kể từ năm 2003. Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu thịt bò Mỹ với số lượng khá lớn, nhiều người tiêu dùng lo lắng về việc thịt bò điên liệu có được nhập khẩu vào Việt Nam hay không và làm thế nào để nhận biết?
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, toàn bộ sản phẩm thịt động vật nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam với mục đích làm thực phẩm phải được cơ quan thú y có thẩm quyền nước xuất khẩu tiến hành kiểm tra các khâu khi xuất khẩu. Việc kiểm dịch nhập khẩu thịt bò từ Mỹ theo trình tự chặt chẽ, từ khâu trước, sau khi nhập khẩu. Đặc biệt là 100% các lô hàng thịt bò từ Mỹ được lấy mẫu tại cửa khẩu nhập. Sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, lô hàng được Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu Việt Nam cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu. Do đó, khó có khả năng thịt bò điên nhập về Việt Nam.
TS Nguyễn Quế Côi, Viện Chăn nuôi cũng cho rằng, quy trình kiểm soát dihcj bệnh ở các nước như Mỹ khá chặt chẽ. Khi phát hiện ra trường hợp nhiễm virút bệnh bò điên, họ sẽ công bố và tiến hành giám sát chặt chẽ nên khó có chuyện thịt đó lại được xuất khẩu đi nước khác. Trước đây, đại dịch bệnh bò điên ở Anh đã gây ra những thiệt hại vô cùng lớn, nước Anh phải tiêu diệt gần hết đàn bò. Ngày đó, một số người có ý tưởng nhập khẩu xương, thịt bò ở Anh về nhưng các cơ quan chức năng phải ngăn chặn ngay. Virút gây bệnh bò điên rất khó bị tiêu diệt nếu chỉ xào nấu đơn thuần. Chúng chỉ chết ở nhiệt độ 165 độ C trở lên. Do đó, ăn thịt bò mắc vi rút gây bệnh bò điên, khả năng lây lan sang người là rất cao.
“Virút này khi xâm nhập vào cơ thể người cũng tác động vào hệ thần kinh, gây nhiễu loạn thần kinh, mất kiểm soát, giống như ở động vật khác. Chỉ sau khi bị nhiễm virút một thời gian ngắn là sẽ phát tác, do đó nếu để chúng lây lan thì hậu quả sẽ rất nặng nề”, TS Nguyễn Quế Côi cho biết.
Nguy cơ từ thịt bò siêu rẻ
Theo TS Nguyễn Quế Côi, việc nhận biết bằng mắt thường đâu là thịt bò bị nhiễm virút bệnh bò điên, đâu là thịt bò khỏe mạnh là không thể. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên quá lo lắng khi mua thịt bò nhập khẩu vì khâu kiểm soát dịch bệnh với thực phẩm nhập khẩu ở ta hiện cũng thực hiện khá tốt. Điều người tiêu dùng phải cảnh giác chính là loại thịt bò nhập khẩu mà có giá rất rẻ, rẻ hơn nhiều thịt bò trong nước thì phải đặt dấu hỏi. “Thịt bò nhập khẩu phải cộng cả tiền vận chuyển, bảo quản, thuế… mà có khi chỉ hơn trăm ngàn đồng/kg, thậm chí chỉ 100 ngàn đồng/kg thì phải xem lại nguồn gốc của chúng. Thịt bò trong nước thông thường cũng không có giá đó. Không có loại thịt bò nào rẻ như thế”, TS Nguyễn Quế Côi cho biết.
Theo TS Nguyễn Quế Côi, thịt bò kể cả được cấp đông ở nhiệt độ đúng tiêu chuẩn là từ -16 đến -19 độ C cũng chỉ bảo quản được tối đa là 3 tháng. Liệu loại thịt bò siêu rẻ này có phải là thịt bò đã quá hạn sử dụng, nhưng được một số người làm lại tem nhãn, ngày sản xuất, chất lượng thịt đã bị biến đổi mới rẻ như thế? Theo quy định thì loại thịt cấp đông để quá 3 tháng chỉ dùng cho chăn nuôi chứ không làm thực phẩm cho con người. Các cơ quan chức năng nên làm rõ loại thịt bò này có nguồn gốc, giấy tờ thế nào để bảo vệ sức khỏe người dùng.
Còn với lo lắng về thịt bò điên, theo TS Nguyễn Quế Côi, chỉ những trường hợp hy hữu như phía nước xuất khẩu không biết con bò đó đã mắc virút thì mới có khả năng thịt đó được xuất sang nước khác.
“Virút gây bệnh bò điên chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Do đó, việc kiểm soát phải rất chặt chẽ, tránh tình trạng để “lọt” dẫn tới lây lan”, TS Nguyễn Quế Côi