Cháy nhà vì pin sạc
Vào khoảng 21h ngày 14/11, chị Nguyễn Thị Nga (chủ nhà) và con gái đi tập thể dục về gần đến nhà thì thấy mọi người tập trung rất đông xung quanh nhà mình; hốt hoảng không hiểu chuyện gì xảy ra khi ngôi nhà 3 gian của gia đình chị cùng hầu hết vật dụng trong nhà đã bị thiêu rụị.
Khi xảy ra cháy, vì không có ai ở nhà, bà con hàng xóm cũng phát hiện ra muộn, nên việc chữa cháy không còn hiệu quả, không chuyển được đồ đạc trong nhà ra ngoài. Theo chị Nguyễn Thị Nga thì trước khi đi ra khỏi nhà, chị có cắm sạc điện cho chiếc pin dự phòng điện thoại di động, xung quanh là các đồ vật dễ bắt lửa như quần, áo, chăn ga gây cháy…
Theo những thông tin chị Nga cung cấp có thể nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn ban đầu được xác định do nổ sạc pin dự phòng. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân.
Năm 2016 cũng có một trường hợp gặp nạn vì pin sạc dự phòng. Ông Triệu Văn T, ở Hòa Bình đã bị thương nặng bàn tay trái, hai xương đốt ngón tay bị gãy, rách toác mu bàn tay. do nổ pin sạc điện thoại dự phòng.
Trước đó, ông T thấy cục sạc dự phòng đang được cắm điện từ tối hôm trước liền dùng tay trái cầm pin dự phòng, tay phải rút điện. Khi ông vừa rút điện thì pin phát nổ lớn. Sau khi phát nổ, pin dự phòng cũng vỡ tung ra từng mảnh.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, pin sạc dự phòng rất dễ cháy nổ nếu không được sử dụng đúng cách. Nếu kết cấu lõi pin không đảm bảo, được làm từ pin tái chế, pin chất lượng thấp thì rất dễ bị phồng, nổ.
Đáng lưu ý là loại pin sạc dự phòng có giá rất rẻ, với đủ loại mẫu mã bắt mắt. Người dùng lại hay có thói quen cắm sạc qua đêm để có pin dự phòng khi đi ra ngoài.
Trong khi đó rủi ro khi sạc pin quá mức là rất lớn, dễ gây ra cháy nổ. Khi để pin sạc ở đầu giường, trên đệm, gối mà pin nóng quá, gây cháy thì hậu quả sẽ rất lớn.
Không để pin sạc lên đệm, gối, cạnh tivi…
Theo KS Nguyễn Huy Bạo, khi lựa chọn pin sạc dự phòng nên mua hàng chính hãng, điện áp chuẩn, tránh tình trạng mua pin trôi nổi có điện áp ảo.
Nghĩa là điện áp ghi một đằng, nhưng thực tế lại một nẻo. Khi gặp những hiện tượng như cục sạc nóng, pin quá nhanh đầy nhưng cũng rất nhanh hết, pin không có tính năng bảo vệ hoặc tự ngắt… thì không nên sử dụng. Không đặt cục pin dự phòng cạnh tivi, máy tính là những nơi có từ trường mạnh.
Không sạc pin trong nhà tắm vì là nơi có độ ẩm cao, ẩm ướt, dễ gây chập mạch. Không cắm điện thoại trực tiếp vào cục sạc dự phòng khi đang sạc điện vì dễ gây ra hiện tượng cháy nổ giữa các điểm tiếp xúc.
“Khi sử dụng cần thực hiện theo đúng những quy định khuyến cáo về dung lượng, dòng nạp, thời gian nạp. Cần dùng đúng tính năng mà pin hỗ trợ cũng như dùng đúng loại đầu cắm sạc cho thiết bị.
Tuyệt đối không dùng điện thoại trong lúc sạc pin với nguồn điện 220V vì đã có nhiều trường hợp gặp tai nạn. Pin sạc không dùng cho tất cả mọi dòng điện thoại.
Hãy tìm hiểu kỹ nguồn điện, nhãn hiệu, cổng sạc… trước khi mua. Không nên “tiện đâu sạc đấy”, cục sạc nào cũng cắm, dễ làm hỏng cục pin của điện thoại”, KS Nguyễn Huy Bạo cho biết.
Trong quá trình sử dụng, bảo quản thiết bị nơi khô ráo, tránh ẩm ướt và tránh tiếp xúc với các chất liệu ăn mòn. Không sử dụng chất tẩy rửa để vệ sinh pin sạc dự phòng.
Để ở những vị trí xa tầm tay trẻ em. Trường hợp lỡ để pin rơi vào nước, bạn cần lau khô ngay, nhất là nơi bảng mạch điện tử và điểm tiếp xúc điện.
“Khi cắm điện cho cục sạc cần canh thời gian, khi đèn báo đầy thì phải ngắt nguồn sạc. Không sạc qua đêm trong lúc ngủ hoặc cắm sạc để đó và đi ra khỏi nhà, tránh những rủi ro”.
KS Nguyễn Huy Bạo
Bảo Khánh