Nguy cơ "siêu dự án" phá danh thắng Chùa Hương

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, việc đầu tư phát triển du lịch tâm linh ở chùa Hương là tốt, nếu vẫn giữ được hệ sinh thái nơi đây. Ngược lại, nếu làm không cẩn trọng, 1 trong 3 lá phổi của Hà Nội có thể sẽ bị phá nát.

Nguy cơ với nhiều loài động thực vật đặc hữu

Tại văn bản số 212/CV-DNXT ngày 25/7/2018 gửi UBND TP Hà Nội, DN xây dựng Xuân Trường đề xuất xin đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn (tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng. Quy mô dự án khoảng 1.000 ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam). Dự án gồm các hạng mục: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng…

Được biết, cách đây khoảng hơn chục năm, Sở KH&CN Hà Tây (cũ) đã thực hiện một cuộc tổng điều tra quy mô lớn về hệ sinh thái chùa Hương. Rất nhiều nhà khoa học đã được mời tham gia. GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học phục vụ đời sống và sản xuất được mời tham dự để khảo sát về hệ sinh thái thực vật khu vực này. GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết, quá trình khảo sát cho thấy tại đây, hệ động thực vật rất phong phú bao gồm nhiều khu hệ như khu hệ chim, khu hệ cá, khu hệ thủy sinh vật xung quanh chùa, khu hệ chất lượng môi trường, khu hệ xung quanh và bên trong chùa…

“Khi đó, tôi khá ngạc nhiên phát hiện ở đây có một hệ sinh thái đa dạng, với rất nhiều loài động thực vật không tìm thấy ở các khu vực khác. Ví dụ như một số loài tảo, địa y, rêu… đặc hữu. Hệ thủy vực với thủy sinh vật rất phong phú, tạo nên cảnh sắc tươi đẹp, hữu tình”, GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng là thành phần trong cuộc khảo sát này. Ông hoàn toàn đồng tình việc xây dựng khu du lịch tâm linh tại đây, nhưng phải là du lịch tâm linh theo đúng nghĩa, không được phá vỡ cảnh quan cũng như hệ sinh thái. “Chùa Hương ngoài hệ thực vật phong phú quý hiếm như cây sưa, vooc đùi trắng, nhiều loài chim đặc hữu chỉ sinh sống ở khu vực này, còn có các loài đặc sản như rau sắng, mơ tích. Ngoài ra còn có hệ thống các hồ, suối, hàng triệu cây có tuổi thọ cả trăm năm… Phát triển thế nào để giữ được hệ sinh thái này là bài toán đặt ra”, GS.TS Đặng Huy Huỳnh nhận định.

Đề xuất của Doanh nghiệp Xuân Trường phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của thành phố Hà Nội. Nhưng Sở KH&ĐT Hà Nội cũng nêu trong 350ha đất du lịch trong khu vực dự kiến làm dự án đã có 175ha thuộc Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hương Sơn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương nghiên cứu lập quy hoạch, làm dự án theo một số văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.

Hà Nội chỉ còn 3 “lá phổi”

GS.TS Đặng Huy Huỳnh cho biết, hiện Hà Nội chỉ còn 3 “lá phổi” là Ba Vì, Hương Tích và Sóc Sơn. Các khu vực khác không còn rừng nữa. 3 “lá phổi” này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều hòa không khí, hấp thụ cacbon, chống xói mòn, cung cấp oxy… cho Thủ đô. Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra mạnh như hiện nay thì những khu rừng với hệ sinh thái phong phú đó lại càng có vai trò quan trọng để điều hòa không khí cho thành phố.

“Hà Nội không thiếu chỗ để phát triển du lịch. Với những khu sinh thái đặc hữu như chùa Hương thì phát triển nào cũng phải ưu tiên giữ được hệ sinh thái nguyên sơ. Hà Nội đang đầu tư hàng trăm tỉ đồng để trồng cây xanh. Trong khi ở khu vực chùa Hương có hàng triệu cây xanh, nhiều cây có tuổi đời cả trăm năm, như một “lá phổi” khỏe cho thành phố thì phải rất cân nhắc bài toán kinh tế. Bởi khi đa dạng sinh học đã mất đi thì không cách nào có thể lấy lại được”, GS.TS Đặng Huy Huỳnh bày tỏ quan điểm.

GS.TSKH Dương Đức Tiến cho rằng khu sinh thái chùa Hương đã tồn tại cả trăm năm nay. Về nguyên tắc, hệ sinh thái đã mất đi thì không khôi phục được. Do đó, doanh nghiệp khi xây dựng quy mô lớn như thế nên lắng nghe ý kiến các nhà khoa học.

Doanh nghiệp đã đánh giá ĐTM chưa?

GS.TS Đặng Huy Huỳnh đặt câu hỏi, liệu doanh nghiệp khi thực hiện một dự án lớn như vậy, đã có những đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước khi trình dự án hay chưa? Phải có đánh giá này để biết hiện nay ở chùa Hương có hệ sinh thái thế nào, động thực vật ra sao. Khi triển khai dự án thì mặt tích cực là gì, tiêu cực sẽ là gì, giảm thiểu tiêu cực đến đâu, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thế nào, sinh kế của người dân vùng đó ra sao? Khi đó, các nhà khoa học phải được tham gia ý kiến đóng góp.

GS Mai Đình Yên, Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết, ông cũng từng tham gia khảo sát đánh giá hệ sinh thái chùa Hương. Sau đó, kết quả khảo sát đã được tập hợp thành tài liệu và công bố. Đến nay, nếu chủ đầu tư có nhu cầu hỏi ông về hệ sinh thái ở đây, còn tồn tại loài gì, bao nhiêu loài cá, bao nhiêu con hổ, có bao nhiêu loài rắn, rết… thì ông sẵn sàng hợp tác giúp đỡ.

GS.TSKH Dương Đức Tiến cho rằng, để thực hiện dự án này phải rất thận trọng để không phá vỡ hệ sinh thái nguyên sơ của chùa Hương. Phát triển nhưng phải dựa trên quan niệm bảo tồn hệ sinh thái. Để làm được thì doanh nghiệp phải tiến hành khảo sát, điều tra lại xem hiện tại hệ sinh thái khu vực này như thế nào. Việc xây dựng những công trình quy mô như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Do đó, phải rất thận trọng. “Không nên vì lợi ích kinh tế, vì nhu cầu phát triển mà đánh đổi môi trường”, GS.TSKH Dương Đức Tiến nhận định.

Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường (Số 16, đường Xuân Thành, Phường Tân Thành, Thành phố Ninh Bình, Tỉnh Ninh Bình) hoạt động từ ngày 17/03/1993. Đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Trường. Tên tuổi của công ty này gắn liền với những dự án du lịch tâm linh trị giá hàng nghìn tỷ đồng, nổi tiếng nhất phải kể tới Khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình xây dựng năm 2006. Hiện doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đang đầu tư vào những khu du lịch lớn như: Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng) 10.000 tỷ đồng; Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) 11.000 tỷ đồng… Đối với siêu dự án khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) 15.000 tỷ đồng đã bị tỉnh Thái Nguyên cho dừng lại đến sau 2020.

Theo Đời sống
[e-Magazine] Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí

[e-Magazine] Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí

Gần một tháng trở lại đây, chất lượng không khí (AQI) Hà Nội ở mức cảnh báo đỏ, chỉ số bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép và thậm chí, có những ngày, Thủ đô thuộc top thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Đốt cỏ rác, hại chết cây xanh!

Đốt cỏ rác, hại chết cây xanh!

Những ngày đầu tháng 11/2024, khi lưu thông trên đường Mê Linh (H.Mê Linh, Hà Nội) nhiều người cảm thấy xót xa khi nhìn thấy hàng cây xanh đã khá lớn trồng ở bên lề, đoạn dài hàng trăm mét bị cháy rụi và đang trong giai đoạn chết dần.
back to top