Giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến gấp 3 lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống. Doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh thông qua TMĐT tăng trưởng vượt trội 69% so với năm ngoái, đưa VN trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng TMĐT cao nhất thế giới.
Ảnh minh họa
Từ quần áo, giày dép cho đến mỹ phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, các loại thực phẩm đóng gói, sấy khô, ngay cả những đồ ăn thức uống dùng trong ngày như cơm văn phòng, bánh tráng trộn, sữa chua, trà sữa… đều được mua bán nhộn nhịp qua mạng. Tương tự, dân văn phòng, các bà nội trợ, học sinh, sinh viên, người cao tuổi… ai cũng mua hàng online.
Theo trang nghiên cứu thị trường Nielse VN, hiện VN có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến. Không tốn chi phí thuê nhân công, thuê mặt bằng, không đòi hỏi số vốn lớn…, bán hàng online đang trở thành lựa chọn hàng đầu đối với tất cả những ai có ý định khởi nghiệp. Rất nhiều các bạn trẻ vừa học đại học, vừa bán quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn vặt qua mạng kiếm thêm đồng thời cũng có thể tự lo tiền học, tiền thuê nhà, sinh hoạt hằng tháng.
Thậm chí đến khi ra trường, trong tài khoản cũng có được vài ba chục triệu đồng dằn túi. Các ngôi sao, nghệ sĩ, “hot girl” cũng không bỏ qua cơ hội làm giàu từ lượng theo dõi “khủng” của mình trên các trang mạng xã hội.
Tuy nhiên, trong thời điểm thị trường TMĐT bùng nổ như hiện nay, cả người mua lẫn người bán đều phải đối đầu với không ít rủi ro và tai nạn. Nhiều bạn mới vào nghề chưa có kinh nghiệm đã bị khách “xù tiền”, buôn ít lãi mỏng khiến dễ thua lỗ. Ngược lại, không ít “tín đồ shopping” qua mạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, muốn thành công bán hàng qua mạng, phải xây dựng lòng tin đối với khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và uy tín của người bán.
Theo Thanh Niên